Doanh nghiệp

“Nếu EVN còn độc quyền, tôi không bao giờ tham gia!”

10/12/2015, 07:25

Đây là tuyên bố của ông Nguyễn Đình Cung khi đại diện EVN mời ông tham gia đầu tư vào ngành Điện khi CPH.

14
Công nhân điện lực đang thay thế đồng hồ cơ sang điện tử - Ảnh minh họa: K. Linh

Lý do ông Cung từ chối đầu tư vào EVN là hiện nay Việt Nam đang hướng tới thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều nhà đầu tư tham gia, giá điện vẫn không theo thị trường thì cũng không giải quyết vấn đề.

Đại diện EVN mời Viện trưởng CIEM đầu tư vốn

Mới đây, tại Hội thảo bàn giải pháp cải cách thị trường điện theo hướng tự do hóa mang tên “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở CHLB Đức và bài học đối với Việt Nam”, ông Cao Đạt Khoa, Trưởng BQL Vốn, Tập đoàn Điện lực VN cho biết, đến nay EVN đã cơ bản hoàn thành việc thoái vốn tại 5/7 DN trong lĩnh vực rủi ro cao, thu về 1.500 tỷ đồng. Trong đó, EVN đã hoàn thành thoái vốn trong toàn bộ ba công ty bất động sản, một công ty chứng khoán, một công ty cơ khí điện lực và phần lớn vốn tại một ngân hàng. “Dự kiến từ nay tới cuối năm, EVN sẽ hoàn thành xong việc thoái vốn tại ngân hàng và công ty bảo hiểm theo quy định”, ông Khoa cho hay.

Về công tác tái cơ cấu, đại diện EVN cho biết, đã thực hiện cổ phần hóa 30 đơn vị, trong đó có nhiều nhà máy lớn như: Nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình, Bà Rịa, Hải Phòng, Quảng Ninh… Thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, Đa Nhim-Hàm Thuận - Đa Mi, A Vương, Ba Hạ… Trong thời gian tới, khi ba tổng công ty phát điện hoàn thành cổ phần hóa đủ điều kiện để hoạt động độc lập trong thị trường điện, EVN sẽ dành mọi nguồn lực phát triển điện hạt nhân.

Tự tin về những thành tích EVN đã đạt được, hướng về phía Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, ông Cao Đạt Khoa ngỏ ý: “Tôi hy vọng thời gian tới, anh Cung (Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế T.Ư -PV) tham gia đầu tư vào EVN”. Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Cung trả lời: “Nếu EVN còn độc quyền, tôi không bao giờ tham gia!”.

Phát triển thị trường điện tự do có làm tăng giá điện?

Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm cho biết, hiện vẫn còn nhiều nhà máy phát điện nằm trong EVN nên sẽ dẫn tới sự “mù mờ” giữa công ty mẹ và công ty con khi các đơn vị của EVN cùng đứng ra cạnh tranh toàn bộ sản lượng điện, sau đó chia nhau mỗi “ông” một phần mà thực chất vẫn là “xôi chấm xôi”.

Tại hội thảo này, lấy dẫn chứng kinh nghiệm của Đức, GS Andreas Polk (Trường Kinh tế và Luật Berlin) cho biết, ngay từ năm 1998 Đức đã bắt đầu chuyển đổi từ thị trường điện độc quyền sang thị trường điện tự do song song với việc chuyển đổi sang dùng năng lượng điện tái tạo. Trước thời điểm chuyển đổi, thị trường điện của Đức do 4 công ty điện của nhà nước thống lĩnh (từ 1945 đến 1998). Khi đó, bản thân người Đức cũng không biết tính toán giá điện trên các yếu tố nào. “Không có tự do hóa thị trường điện sẽ không có nhà đầu tư mới”, ông Andreas Polk nói. Đặc điểm thị trường điện của Đức trước khi tự do hóa cũng được cho là giống với đặc điểm của thị trường điện Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia Đức cũng cho biết, trong giai đoạn đầu sau khi tự do hoá, giá bán điện sẽ tăng. Khi có nhiều DN cùng tham gia thị trường biểu giá điện, các mạng lưới sẽ ổn định. Tại Đức, giá điện đã tăng mạnh cho tới năm 2008 sau đó giảm mạnh và ổn định từ 2009 tới nay. GS. Andreas Polk cho biết, thậm chí, khi đó khách hàng công nghiệp lớn có thể được giảm 2/3 giá thành. 

Đại diện EVN cho biết, từ năm 2010 đến nay, năm nào tăng trưởng điện ở Việt Nam cũng là hai con số và dự tính tới năm 2021 mới giảm xuống còn 1 con số. Tuy tăng trưởng như vậy nhưng hiện nay nguồn cung tại khu vực phía Nam vẫn đang thiếu hụt. Ông Cao Đạt Khoa cho rằng, đối với các hộ mua điện công nghiệp như các DN trong ngành ximăng, sắt, thép cần thay thế cơ chế mua điện hiện nay và chấp thuận cơ chế thị trường. “Dự kiến ngành Điện sẽ cổ phần hóa thêm 20% các công ty điện lực cấp tỉnh nhưng nếu bán với giá 0 đồng thì họ vẫn lỗ. Vấn đề là chúng ta phải tiếp cận giá điện hướng chi phí tới đâu phải phản ánh qua giá cả và cơ hội thị trường”, ông Khoa kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.