Đau quặn bụng từng cơn, gầy sút... là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng |
Ths.BS. Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, BV Đa khoa Medlatec, cho biết: Hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài hay rặn, hôm táo, hôm lỏng, có khi kèm theo máu nhầy, uống thuốc kháng sinh kéo dài không khỏi... chính là 5 dấu hiệu sớm của căn bệnh ung thư đại trực tràng. "Không ít bệnh nhân chủ quan trước những dấu hiệu bất thường này mà bỏ lỡ cơ hội phát hiện và điều trị căn bệnh ung thư đại trực tràng", BS. Quang cho hay.
BS. Quang chia sẻ chi tiết cách nhận biết các dấu hiệu để phát hiện ung thư đại trực tràng. Cụ thể,
- Rối loạn phân: Hôm táo, hôm lỏng kéo dài. Do đại tràng là nơi chứa phân, bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa nên ở giai đoạn sớm, người bị ung thư đại tràng thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như: đi táo, đi lỏng thất thường, hôm táo hôm lỏng hoặc có thời gian đi lỏng kéo dài, có thời gian táo bón kéo dài.
- Rối loạn đại tiện: Đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, đi ngoài ra máu mũi, phân lầy nhày mũi máu, phân nát, phân hình lá lúa (bởi phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
- Uống thuốc kháng sinh không khỏi: Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, triệu chứng này khác bệnh lị ở chỗ: Khi bị lị, người bệnh uống thuốc kháng sinh đặc trị sẽ khỏi, nhưng khi bị ung thư đại trực tràng, uống kháng sinh cũng không khỏi tình trạng đi ngoài.
- Đi ngoài ra máu: Đáng chú ý với những người hay đi ngoài ra máu. Có 2 loại đi ngoài ra máu cần phân biệt. Đi ngoài ra máu do trĩ: Đi ngoài ra máu tươi ngay sau khi đi ngoài. Máu này màu đỏ tươi, máu thường phủ ngoài phân. Còn khi đi ngoài ra máu lẫn với nhầy trong phân thì nghĩ các nguyên nhân khác như polyp đại tràng… hoặc có thể ung thư đại trực tràng. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.
Cuối cùng là các dấu hiệu muộn như: đau quặn bụng từng cơn, gầy sút khi ung thư phát triển. Khi phát hiện ung thư muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng; vàng da, bụng to dần…
Theo BS. Quang, trên thực tế, để phát hiện ung thư trực tràng khi thăm khám không khó khăn, bác sĩ chỉ cần thăm khám bằng tay, chưa cần đến các biện pháp thụt hay soi đã có thể có kết luận bệnh ung thư trực tràng thấp đoạn trực tràng cách ống hậu môn < 7 cm. với đoạn đại trực tràng cao hơn (cách rìa hậu môn > 7 cm cần thiết phải chẩn đoán dựa vào nội soi đại trực tràng). Nếu ung thư trực tràng đoạn thấp, sẽ thấy máu theo tay thậm chí có thể sờ thấy được khối u.
"Nghiên cứu mới đây tại Việt Nam thể hiện rõ nếu phát hiện sớm, áp dụng cả phương pháp hóa trị và xạ trị tiền phẫu thì tỷ lệ bệnh nhân tái phát bệnh trong 1 năm đầu chỉ còn 11%. Nhiều bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh, hiện đã ngoài 80 tuổi. Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u, kèm theo hóa, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ u bướu", BS. Quang cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận