Chuyện dọc đường

Nếu một ngày những dòng sông hết cát...

13/06/2022, 03:24

Nguồn cát ở các dòng sông không phải là vô tận. Nếu một ngày nào đó, cát tự nhiên không còn, chúng ta sẽ dùng loại vật liệu nào để thay thế?

Vấn đề khai thác cát quá mức đã được nói đến từ rất lâu, nhưng đến nay câu chuyện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khi nguồn tài nguyên bị khai thác vô tội vạ đã kéo theo những hệ lụy khó lường. Đó là tình trạng sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy…

img

Nguồn cát tự nhiên đang mỗi ngày một cạn dần. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, nhu cầu cát nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung phục vụ cho phát triển, đô thị hóa đang ngày càng lớn. Trong khi nguồn cát ở sông Tiền, sông Hậu vốn không phải vô hạn.

Những tỉnh ở thượng nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… với lợi thế về nguồn cát dồi dào vốn được xem là những “mỏ vàng”, nay cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã bắt tay vào tìm những giải pháp cho nguồn vật liệu thay thế. Đó là sản xuất gạch không nung, tận dụng tro xỉ và cát biển trong xây dựng...

Tuy nhiên đến nay, những loại vật liệu này xuất hiện trên thị trường rất ít, và chỉ được xã hội đón nhận một cách rất dè dặt.

Tại nhà Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), từ khi đi vào vận hành (2015) đến hết tháng 4/2022, tổng lượng tro, xỉ phát sinh của 3 nhà máy là khoảng 7,88 triệu tấn. Trong đó, tổng lượng tro, xỉ đã được tiêu thụ tái sử dụng là khoảng 4,2 triệu tấn.

Trong số này phần lớn là được các doanh nghiệp thu mua, sử dụng làm phụ gia bê tông, phụ gia xi măng và làm gạch không nung. Còn lại, gần như chưa được sử dụng trong một công trình giao thông hay san lấp mặt bằng nào.

Trong khi đó, những công trình giao thông luôn “ngốn” một lượng cát khổng lồ. Chẳng hạn như chỉ riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có nhu cầu sử dụng tới 17 triệu m3 vật liệu, trong đó cát đắp nền khoảng 13 triệu m3.

Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống đang trở thành vấn đề bức thiết. Lâu nay, chúng ta nói nhiều về các nghiên cứu vật liệu thay thế, nhưng đến nay những nghiên cứu đó như thế nào thì cũng chưa mấy ai rõ.

Chẳng hạn như nghiên cứu tro xỉ đến thời điểm này ra sao? Có bao nhiêu loại được phân chia để làm gạch, loại nào để làm đường, san lấp?

Nếu đã có rồi thì phải công bố, công khai. Bởi nghiên cứu là một chuyện, quan trọng hơn là cần tiêu chuẩn hóa những nghiên cứu đó thành tiêu chuẩn Nhà nước.

Khi những nghiên cứu được công bố rộng rãi, với những tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá rõ ràng sẽ tạo ra niềm tin, và xa hơn sẽ dần thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng của xã hội.

Sắp tới đây, TP Cần Thơ sẽ triển khai cơ chế đặc thù, trong đó sẽ cho triển khai dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Lâu nay khi nạo vét luồng Định An đều đổ ra biển. Bây giờ phải tính đến chuyện tận thu để sử dụng giữa bối cảnh nguồn cát truyền thống đang ngày càng khan hiếm.

Ngoài ra, cần thiết phải khuyến khích, nhân rộng những mô hình nghiên cứu có hiệu quả về những vật liệu xây dựng thay thế. Đồng thời, bộ ngành chức năng cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn để làm cơ sở pháp lý nhằm phát triển sản xuất và sử dụng những loại vật liệu này.

TS Trần Hữu Hiệp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.