Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến New Zealand đã tăng 7,3% trong năm ngoái, cao hơn 2 lần so với tỷ lệ tăng trưởng chung của ngành. Tuy nhiên, những tăng trưởng này không còn chắc chắn trong năm nay sau vụ việc New Zealand cấm cửa hãng điện tử Huawei của Trung Quốc.
Bắc Kinh hoãn sự kiện xúc tiến du lịch
Hiệp hội Du lịch Trung Quốc - New Zealand đã đưa ra rất nhiều gợi ý cho các nhà điều hành du lịch nhằm thu lợi từ lượng khách Trung Quốc đại lục đến đất nước châu Đại Dương năm nay, trong đó có giới thiệu các dịch vụ thanh toán di động như WePay và Alipay để thuê nhân viên thành thạo tiếng Trung Quốc đến New Zealand làm việc.
Tuy nhiên, sự kiện quảng bá Năm Du lịch Trung Quốc - New Zealand 2019 tại Wellington trong tuần này, một chiến dịch được lên kế hoạch bởi cả hai chính phủ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và song phương đã bị hủy vào phút chót. Phía Trung Quốc cho biết, lý do là việc sắp xếp lịch không thành công, tuy nhiên nguyên nhân thực sự có thể không hẳn vậy.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mới đây đã thừa nhận rằng, mối quan hệ giữa hai nước rất phức tạp và không phải không có thách thức, dù bà bác bỏ việc mối quan hệ có rạn nứt. Nhưng nữ Thủ tướng tiết lộ rằng, chuyến thăm Bắc Kinh của bà dự định từ cuối năm ngoái vẫn chưa được lên lịch cụ thể.
Thừa nhận của bà Jacinda Ardern làm dấy lên mối lo ngại từ các đảng phái đối lập và giới truyền thông rằng, mối quan hệ với Bắc Kinh vốn căng thẳng sau khi Chính phủ New Zealand chặn “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei triển khai mạng lưới dữ liệu 5G trên toàn nước này vì lo ngại an ninh quốc gia đang ngày càng xấu đi.
Cuối tuần trước nữa, một chuyến bay của Hãng hàng không Air New Zealand trên đường bay đến Thượng Hải đã phải quay trở lại Auckland. Theo tuyên bố của hãng bay, chiếc Boeing 787-9 mới được đưa vào sử dụng khi chưa có đủ giấy tờ hợp lệ cho phép hạ cánh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một số báo cáo suy đoán rằng nguyên nhân là do cách Air New Zealand đề cập tới Đài Loan như một hòn đảo độc lập thay vì một thành phố thuộc Trung Quốc.
New Zealand cần làm gì?
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, sau quyết định của Wellington về Huawei, đã có một cuộc tranh luận giữa các quan chức New Zealand về việc nước này phải chọn một bên trong hành động cân bằng lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác kinh tế quan trọng nhất của quốc gia châu Đại Dương.
Mỹ đã yêu cầu các đối tác khác trong liên minh, bao gồm Australia, Canada và Anh kiềm chế các thỏa thuận kinh doanh với Huawei vì nghi ngờ tập đoàn công nghệ có thể có liên kết với Chính phủ Bắc Kinh.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ không phản ứng tích cực với những hành động tiếp theo kiểu này”, ông Stephen Noakes, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Auckland nhận xét và lưu ý rằng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế New Zealand, đặc biệt là hai lĩnh vực du lịch và xuất khẩu sữa.
Năm ngoái, gần 15% trong số 3,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới New Zealand đến từ Trung Quốc, đóng góp 16 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia châu Đại Dương. Trung Quốc cũng tiêu thụ hơn 1/4 lượng xuất khẩu sữa của New Zealand, trị giá tổng cộng 15 tỷ USD.
Những bình luận này được đưa ra sau khi Global Times, tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài viết nói rằng du khách Trung Quốc đang cảnh giác khi đến thăm New Zealand.
Hongzhi Gao, Phó giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Victoria Wellington cho rằng, New Zealand có thể tự giúp nước này vượt qua khó khăn trong mối quan hệ với Bắc Kinh bằng cách kiên quyết không thách thức Trung Quốc và giữ lập trường chính sách đối ngoại trung lập.
“Nếu Trung Quốc là bạn của New Zealand, họ có thể đối xử với New Zealand rất tốt. Nhưng nếu Trung Quốc coi New Zealand là bạn của kẻ thù, họ sẽ bắt đầu đối xử một cách khắc nghiệt hơn”, ông Gao nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận