Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra quyết định trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng Nga nói chung và một số công ty lớn, bao gồm cả lệnh trừng phạt cá nhân đối với ban lãnh đạo và quan chức Bộ Năng lượng Nga, là nỗ lực nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.
Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là hành động đáng xấu hổ của Mỹ khiến thị trường toàn cầu mất ổn định.
Phía Nga tuyên bố vẫn tiếp tục triển khai các dự án lớn về khai thác dầu khí, thay thế nhập khẩu, cung cấp dịch vụ dầu mỏ, xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở những nước khác.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này vẫn đóng vai trò chủ chốt, đáng tin cậy trên thị trường nhiên liệu toàn cầu bất chấp những biến động trong Nhà Trắng và âm mưu của nhóm vận động hành lang bài Nga ở phương Tây, những kẻ tìm cách đẩy ngành năng lượng toàn cầu vào cuộc chiến chống lại Nga.
Qua đó, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, mọi nỗ lực đánh bại Moscow về mặt chiến lược và thông qua lệnh trừng phạt đều đã thất bại. Nền kinh tế Nga không bị suy yếu mà vẫn tồn tại, phát triển bất chấp áp lực kinh tế bên ngoài chưa từng có.
Bộ này cũng khẳng định hành động của chính quyền Mỹ sẽ khiến quan hệ kinh tế song phương Nga-Mỹ bị cản trở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới cả các doanh nghiệp Mỹ. Lệnh trừng phạt còn khiến đồng minh châu Âu của Mỹ phải chịu thiệt hại khi chuyển sang nguồn cung năng lượng đắt tiền và dễ bị gián đoạn từ Mỹ.
"Tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ không thể hủy bỏ các lệnh trừng phạt nêu trên nếu không được Quốc hội chấp thuận, từ đó nước Mỹ sẽ phải gánh chịu cảnh đất đai bị thiêu rụi - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng", Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
Tuyên bố trên nhằm đáp trả sau sự việc Mỹ và Anh tuyên bố lệnh trừng phạt rộng rãi đối với hơn 180 tàu thủy và 2 công ty dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho rằng lệnh trừng phạt nhằm chống lại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các công ty Nga bị ảnh hưởng đã lên tiếng phản đối, coi quyết định đưa tài sản của công ty vào danh sách trừng phạt là vô căn cứ, bất hợp pháp và trái với các nguyên tắc tự do cạnh tranh thương mại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận