Thế giới

Nga - Mỹ không dễ "tan băng"

14/05/2015, 06:31

Sau EU, Mỹ đã gửi đại diện tới Nga để bàn về khủng hoảng Ukraine

111

Ngoại trưởng Mỹ Kerry lần đầu đến Nga sau hai năm kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine được coi là dấu hiệu tan băng trong quan hệ hai nước

Trong cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ ngày 12/5, Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bàn về các vấn đề toàn cầu. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vì xung đột tại miền Đông Ukraine.

Các nhà quan sát cho rằng, đây là tín hiệu tích cực trong cải thiện mối quan hệ căng thẳng kéo dài suốt hai năm qua. Ông Kerry phát biểu sau cuộc hội đàm rằng: “Cuộc gặp với ông Putin rất cởi mở và hữu ích” và bày tỏ sự cần thiết mang tính cấp bách của việc hai nước hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu. Chi tiết cuộc gặp với Tổng thống Putin chưa được tiết lộ nhiều; tuy nhiên ông Kerry tuyên bố Mỹ và EU có thể rút lại những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu thỏa thuận Minsk 2 về ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được thực thi đầy đủ.

Ông Yuri Ushakov, phụ tá Tổng thống Putin cho biết: Giữa ông Putin và ông Kerry đã có cuộc hội đàm kéo dài, cởi mở, mang tính công việc và khá thân thiện. Hai bên thảo luận những vấn đề chủ chốt của thế giới và dành nhiều thời gian cho vấn đề Ukraine. Theo ông Ushakov thì Tổng thống Nga đã đánh giá về khủng hoảng Ukraine và nhấn mạnh quyết tâm thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk.

Ngoại trưởng Nga Lavrov đánh giá các cuộc gặp lần này đã giúp hai nước “hiểu nhau hơn” và “cần phải tránh những bước đi có thể làm tổn hại lâu dài tới mối quan hệ song phương”.

Không dễ

Chuyến thăm của ông Kerry diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine khiến hơn 6 nghìn người thiệt mạng kể từ khi bùng phát hồi tháng 3/2014 và lệnh ngừng bắn đạt được tại Minsk ngày 12/2 thường xuyên bị các bên vi phạm. Hôm qua, ông Kerry cho rằng: Dự định dùng vũ lực lấy lại sân bay Donetsk của quân Chính phủ là vi phạm thỏa thuận Minsk và Mỹ phản đối điều này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của Mỹ trong các vấn đề Iran, Syria, Ukraine, Nhà nước Hồi giáo IS và Triều Tiên… khi thiếu Nga.

"Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ cả trên khía cạnh song phương lẫn trách nhiệm đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác phải diễn ra trên cơ sở chân thành và bình đẳng, không sai khiến hay ép buộc”.

Bộ Ngoại giao Nga

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Czech Milos Zeman cho biết: Các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga có thể được dỡ bỏ trước cuối năm 2015 và “Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề này trong tháng 6 tới”. Theo ông Zeman thì các lệnh trừng phạt hoàn toàn vô nghĩa.

Tuy vậy, những diễn biến mới nhất ở miền Đông Ukraine đang gây nhiều quan ngại khi Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) chuẩn bị trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga. Trang thông tin điện tử Lenta.ru hôm qua dẫn nguồn từ trung tâm báo chí Chiến dịch chống khủng bố (ATO) tại miền Đông Ukraine cho biết, một đoàn xe chở các lá phiếu đã được đóng dấu sẵn cho cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập tỉnh Donetsk vào Nga đã tới TP Torez thuộc tỉnh này. Tròn một năm trước, Donetsk trưng cầu ý dân với sự tham gia của 75% dân số và 90% trong số này ủng hộ chủ quyền cho Donbass.

Đồng thời, ông Fedichev Valentin – Phó chỉ huy ATO cho biết, hiện ở miền Đông Ukraine có khoảng 9 nghìn lính Nga và tên lửa chiến thuật Tochka-U-4 cũng xuất hiện ở miền Đông Ukraine, nhưng chưa có xác nhận việc sử dụng; phe ly khai được trang bị hơn 700 xe tăng.

Giới chức Nga đã nhiều lần bác bỏ thông tin về sự dính líu của lính Nga trong các hoạt động quân sự ở miền Đông Ukraine. Bản thân ông Putin cũng khẳng định không có binh sĩ Nga ở Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.