Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Cyprus Nicos Anastasiades |
EU lo ngại chính sách chống Nga giảm hiệu quả
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Cyprus Nicos Anastasiades đã ký một thỏa thuận cho phép các tàu quân sự Nga được cập các cảng của Cyprus, theo Reuters (ngày 26/2). Theo đó, các tàu của Nga được phép cập cảng ở Cyprus trong nỗ lực chống khủng bố và cướp biển. Đồng thời, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Nga được phép sử dụng các sân bay và cảng biển của Cyprus cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo, theo hãng tin Tass. Ông Nicos Anastasiades đang trong chuyến thăm Nga ba ngày.
Trước đó hai ngày, Nga cũng giảm lãi suất khoản vay 2,5 tỷ euro cho Cyprus từ 4,5% xuống còn 2,5% và giãn thời gian thanh toán tới 2018-2021.
Động thái trên diễn ra khi quan hệ giữa Nga – Phương Tây vẫn chưa giảm nhiệt vì chiến sự miền Đông Ukraine. Các nhà quan sát cho rằng, Nga đang tăng cường với những nước như: Cyprus, Hungary và Hy Lạp sau khi EU và Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt. Giới chức EU lo ngại rằng, chính sách chống Nga của khối này sẽ bị ảnh hưởng khi một số nước thuộc khối này phản đối trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, ông Putin cho rằng, thỏa thuận này sẽ không gây phương hại cho bất kỳ nước nào, vì mục đích chính của thỏa thuận là phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố và hải tặc. Trên thực tế, giới chức Cyprus cho biết, tàu Nga vẫn “ghé vào” cảng nước này.
Giải quyết bất đồng về khí đốt
Ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga. Điều này làm gia tăng căng thẳng và không muốn đạt được việc thực hiện thỏa thuận mà các bên đã nhất trí ngày 12/2 tại Minsk, Belarus (các bên xung đột cần tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến).
Mới nhất, EU đang ráo riết thúc đẩy thành lập một liên minh năng lượng trong bối cảnh Nga cảnh báo sẽ tạm ngưng cấp khí đốt cho Ukraine trong ba đến bốn ngày tới không thanh toán trước tiền khí đốt; và điều này ảnh hưởng đến các đối tác châu Âu. Ông Putin nhấn mạnh, điều này phụ thuộc vào việc tuân thủ các kỷ luật tài chính của các đối tác Ukraine.
Ông Putin cũng chỉ trích việc Kiev cắt nguồn khí đốt cho Donetsk và Luhansk trong nhiều tháng qua: “Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người, đặc biệt khi Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) đánh giá nơi đây đang xảy ra một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Giờ nguồn khí đốt của họ lại bị cắt. Có thể coi đây là dấu hiệu diệt chủng”.
Còn Kiev tuyên bố, do đối tác Nga giảm 50% lượng cung trong những ngày gần đây, nên họ không thanh toán. Hiện Ukraine chỉ còn khoảng gần 300 triệu m3 khối khí đốt, chỉ đủ dùng hết tuần này.
Các chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu cảnh báo gửi tới EU rằng, Nga sẵn sàng trả đũa nếu cứ tiếp tục áp các biện pháp trừng phạt. Ông Maros Shevchovych - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về vấn đề năng lượng cho biết, sẽ cố thu xếp bất đồng giữa Ukraine và Nga trong cuộc họp về khí đốt vào ngày 2/3 tới, nhằm bảo đảm nguồn trung chuyển khí đốt sang châu Âu không bị gián đoạn.
Nếu cuộc chiến khí đốt diễn ra thì cả EU, Ukraine và Nga đều thiệt hại. Hơn 30% khí đốt tiêu thụ của EU đến từ Nga và Nga mỗi năm thu về 80 tỷ USD từ thị trường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận