Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành bắc qua sông Đuống nối hai huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) được khởi công vào tháng 1/2018 với tổng chiều dài hơn 1,5km, trong đó phần cầu chính dài 1,2km, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành là cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu.
Ngoài phần mặt cầu rộng 22,5m (4 làn xe chạy) cho các phương tiện lưu thông, mỗi bên có làn rộng 2m để người đi bộ tham quan, ngắm cảnh. Bên cạnh đó, hạng mục quan trọng và phức tạp nhất của dự án là hệ thống 5 nhịp vòm cao từ 40m tới 67m. Từ mặt nước lên tới đỉnh vòm thép cao nhất của cầu có độ cao 87m. Hiện tại, đây là cây cầu vòm thép cao nhất Việt Nam.
Nhớ lại thời điểm thi công, ông Phạm Văn Hoàng - Phó giám đốc Ban điều hành dự án của liên danh nhà thầu Nam Anh - Khang Nguyên cho biết, ngoài nhịp vòm thép giữa, nhà thầu Nam Anh - Khang Nguyên còn đảm nhiệm vai trò sản xuất và lắp đặt hoàn chỉnh kết cấu vòm thép nhịp biên bên phía Thuận Thành (từ trụ P22-P23) dài 67,5m.
Theo ông Hoàng, kết cấu cầu vòm thép có khối lượng khoảng 1.200 tấn được chia thành 17 đốt, trong đó đốt nặng nhất lên tới 95 tấn. Do đó, từ tháng 9/2022, nhà thầu phải tiến hành lắp dựng đà giáo 2.400 tấn, cao 77m và sử dụng cẩu 800 tấn trên sà lan 7.800 tấn để cẩu các đốt vòm thép. Quá trình lắp dựng đà giáo cũng hết sức gian nan khi nhà thầu phải dùng hàng chục cọc ống thép đường kính 1,3m cắm xuống lòng sông ở độ sâu 38-40m so với mặt nước.
Những nhịp cầu khi soi bóng xuống dòng sông tạo nên hình ảnh chiếc nón quai thao đặc trưng của người Quan họ. Hình dáng kiến trúc cầu có 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S mềm mại, uyển chuyển vờn trên sóng nước, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời.
Để có kiến trúc độc đáo trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thi tuyển sáng tác kiến trúc cho dự án. Theo đó, tác phẩm “Lưỡng Long Triều Nhật” - tức hai con rồng chầu mặt trời đã vượt qua gần 30 tác phẩm dự thi để trở thành kiến trúc chính thức của cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành.


Hệ dây cáp treo vào mặt cầu đã hoàn thành.
Hiện tại, các công nhân đang gấp rút hoàn thiện một số hạng mục còn lại như: Hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo...
Tranh thủ nắng đẹp, nhóm bạn Khánh Ly, Trịnh Lan, Thùy Trang cùng nhau tìm đến đây để chụp ảnh check in trước khi cây cầu độc đáo chính thức thông xe.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Đức Thành, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, dự kiến cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành sẽ được thông xe vào ngày 11/10. Đồng thời, Sở cũng đã lên kế hoạch phối hợp với phòng CSGT phân luồng, hướng dẫn người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Cây cầu sau khi thông xe sẽ góp phần hình thành mạng lưới giao thông khép kín giữa khu vực bắc sông Đuống và nam sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời giúp kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua QL1, QL38, QL5, QL17 và các tuyến tỉnh lộ 276, 287… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận