Kinh tế

Ngấm “đòn” Covid-19 lần 2, doanh nghiệp xoay xở thế nào?

12/08/2020, 06:19

Phần lớn doanh nghiệp khó khăn, bị động theo diễn biến và kết quả phòng, dập dịch Covid-19.

img
Dịch Covid-19 quay trở lại mang đến cơ hội cho sản xuất khẩu trang, thiết bị phòng dịch

Dịch Covid-19 trở lại là cơ hội cho số ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế… Trong khi đó, phần lớn khó khăn, bị động theo diễn biến và kết quả phòng, dập dịch…

Đơn hàng từ vùng dịch bị huỷ, hoãn

Dù chỉ tiêu kinh doanh được hạ đến mức thấp nhất để duy trì thương hiệu khi trải qua đợt dịch trước, anh Tuấn Anh, quản lý nhà hàng bia Hải Xồm ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, với đợt dịch lần 2 này, nhà hàng khó lên được kịch bản tiếp theo.

“Bán hàng online được nói đến như một tia sáng cho dịch vụ ăn uống nhưng phần lớn có lợi cho dịch vụ đồ ăn vặt, món lạ, còn phân khúc dịch vụ như của chúng tôi không thể áp dụng cách đó. Không cách nào khác là phải chờ đợi diễn biến và kết quả dập dịch”, anh Tuấn Anh nói.

Không riêng dịch vụ ăn uống, hay du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, khó thay đổi chiến lược kinh doanh mà những doanh nghiệp có đối tác tại những vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam… cũng như ngồi trên đống lửa với hàng loạt đơn hàng bị hủy.

Hoạt động sản xuất chỉ mới trở lại không lâu sau nhiều ngày bị đóng cửa vì đợt dịch đầu tiên nhưng mấy ngày nay, chị Thúy, chủ xưởng mây tre đan ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đang phải loay hoay tìm thị trường mới khi số lượng đơn hàng bị hủy, hoãn lên tới 80% tại những điểm du lịch, nhất là tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Trước đó, đợt dịch đầu, doanh thu của xưởng đã giảm hơn 50%, số công nhân cũng phải cắt giảm từ 30 - 40% vì không đủ việc làm.

“Hàng đã chất đầy xưởng, nếu không tìm được đầu ra, không những doanh nghiệp tiếp tục chịu tổn thất nặng mà nhiều lao động lại rơi vào cảnh thất nghiệp”, chị Thúy nói và cho biết, xưởng đang tính phương án tìm đến những điểm du lịch ít bị ảnh hưởng như: Sapa, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn... để tìm đầu ra cho dù có phải thiệt về giá, quan trọng là duy trì công việc cho công nhân.

Sản xuất khẩu trang bứt tốc

Trong khi đó, thị trường thiết bị phòng dịch “nóng” trở lại với mức giá được đẩy lên “chóng mặt”, mang đến cơ hội chuyển dịch sản xuất sang các mặt hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế...

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn gần như đã trở lại bình thường với nhiều đơn hàng truyền thống. Song, khi dịch trở lại, ngoài việc đảm bảo đơn hàng truyền thống, các đơn vị đang cố gắng “tăng tốc” để đảm bảo kế hoạch cung ứng khẩu trang khi các đơn hàng về mặt hàng này đang có dấu hiệu tăng lên.

Tuy nhiên, do các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, trong khi nhu cầu lớn nhất lại là khẩu trang y tế nên thời gian này phải sắp xếp lại dây chuyền, nguyên liệu…

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, nửa cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, dù chỉ chiếm 10% năng lực. Song, đây sẽ là giải pháp giải quyết việc làm đáng kể cho doanh nghiệp.

“Dù dịch bệnh có thể gây khó khăn cho các đơn hàng xuất khẩu, song việc tăng tốc sản xuất khẩu trang phòng dịch cũng phần nào giảm căng thẳng trong bối cảnh chung toàn cầu”, ông Trường bày tỏ.

Ông Trường cũng cho biết, hiện tại, năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của Vinatex là 100 triệu chiếc/tháng và năng lực sản xuất khẩu trang y tế là 30 triệu chiếc/tháng. “Ngay từ khi dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam, tất cả thành viên Vinatex đã tái kích hoạt chế độ chống dịch Covid-19 và lên kế hoạch để sẵn sàng tham gia sản xuất và cung ứng đủ cho thị trường khẩu trang 3 lớp, đồng thời cam kết bán theo đúng giá niêm yết tại tất cả các cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn trên toàn quốc”, ông Trường khẳng định.

Tương tự, Công ty Trường Tiến (TP.HCM) cũng đang cho tăng ca sản xuất để đưa khẩu trang ra thị trường. Ông Hoàng Trường Tiến, Giám đốc Công ty cho biết, lúc dịch lắng xuống, thị trường chủ yếu vẫn là dành cho đơn xuất khẩu nhưng từ ngày có ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng, đơn hàng tăng lên hàng ngày. Lượng hàng bán ra tăng hơn 100%.

“Hiện nay, ngoài việc đảm bảo các đơn hàng may mặc theo kế hoạch, công ty cho tăng thêm giờ để sản xuất khẩu trang vải để đảm bảo cung ứng trong nước”, ông Tiến nói và cho rằng, việc tăng cường sản xuất khẩu trang dù không phải là mục tiêu lâu dài, song nó đã góp phần tăng thu nhập và có thể là cơ hội để bù đắp những tổn thất cho việc kinh doanh khác trong thời điểm dịch.

WB đánh giá cao khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. WB dự báo, kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 vẫn chịu đựng tốt, sẽ phục hồi và là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.