Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận thứ 10 với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.
Tràn lan vi phạm bản quyền
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh việc vi phạm bản quyền báo chí đang xảy ra tràn lan, nhiều hình thức vi phạm phức tạp.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên và tham gia điều ước quốc tế về bản quyền trong môi trường internet. Điều này cho thấy chúng ta đang hòa nhập với môi trường số trên toàn thế giới.
Tất cả các sản phẩm báo chí tại các nước thành viên đều được bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, các vi phạm bản quyền đều sẽ bị xử lý theo Luật Quốc tế. Do vậy, các sản phẩm khi sao chép một phần hoặc toàn phần một sản phẩm báo chí phải được tác giả hoặc cơ quan chủ quản đồng ý.
Theo bà Oanh, việc phát hiện các xâm phạm bản quyền không khó với sự phát triển của công nghệ AI đã phát huy tác dụng trong việc phát hiện "truy vết" các vi phạm tác quyền.
Ngược lại, các cơ quan báo chí cần quan tâm bảo vệ quyền sở hữu qua việc thu thập các bằng chứng xác thực, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm bản quyền.
Việc xử lý theo quy trình 4 bước của Luật Sở hữu trí tuệ gồm: Sử dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa phát hiện vi phạm quyền sở hữu.
Tiếp đó, yêu cầu các tổ chức cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính, công khai vi phạm, bồi thường thiệt hai.
Yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm và cuối cùng kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi bản quyền báo chí.
Tuy nhiên, theo thống kê đến nay số trường hợp yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền của các cơ quan báo chí còn rất hạn chế.
Các vi phạm bản quyền trên môi trường mạng viễn thông, internet và vi phạm bản quyền báo chí đều có quy định rõ ràng.
Thế nhưng hiện một số tổ chức, cá nhân xâm phạm bản quyền vẫn nhận được những món lợi nhuận khổng lồ trong khi đó lợi nhuận của các cơ quan báo chí không còn.
"Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các tòa soạn, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên khi vô cùng vất vả để cho ra đời những bài viết phóng sự có giá trị.
Do vậy, việc bảo vệ bản quyền cần được chú trọng hơn vì ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của cơ quan báo chí", bà Oanh nhận định.
Kiên quyết xử lý vi phạm bản quyền báo chí
Phát biểu tại buổi thảo luận, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập báo Dân trí cho biết: Nhiều fanpage, trang thông tin điện tử có lượt truy cập lớn sử dụng nội dung, hình ảnh của báo Dân trí và nhiều tờ báo khác để đăng tải nhằm kéo lượt xem, tương tác.
Đáng nói các trang này khai thác quảng cáo, thu lợi nhuận mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Hành vi vi phạm đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, trên các nền tảng sử dụng video ngắn như TikTok, Facebook Reels và YouTube.
"Khi phát hiện, phóng viên hoặc người có trách nhiệm của báo liên hệ nhắc nhở, họ lập tức chặn, cắt liên hệ để né tránh việc bị tố cáo sai phạm", nhà báo Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM nhận định, hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang ở mức báo động.
Các tác phẩm báo chí đều được đầu tư kể cả công sức, vật chất, sự sáng tạo... việc vi phạm bản quyền sẽ làm mất đi nguồn lực đầu tư các sản phẩm báo chí chất lượng.
Bảo vệ bản quyền báo chí còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
"Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay", ông Hiển nói.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập báo Thanh Niên cho rằng: Vấn đề vi phạm bản quyền ngày càng diễn ra tràn lan với nhiều hành vi tinh vi.
Trước thực trạng vi phạm bản quyền các cơ quan báo chí cần thành lập một liên minh bản quyền báo chí. Đây là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí.
"Liên minh phải thống nhất được ràng buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà Nước có thẩm quyền đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài... tăng tính răn đe", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.
Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 cũng diễn ra các phiên thảo luận về "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích", "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí", "Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo".
.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận