Chấp nhận bán lỗ
Ngày 23/11, tin đồn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút vào 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu khiến một số nhà đầu tư chứng khoán lo ngại ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi. Nhiều nhà đầu tư chuyển từ đầu tư chứng khoán sang gửi tiết kiệm, khiến giá cổ phiếu đi xuống.
Một số nhà đầu tư khác lo ngại việc này sẽ khiến các doanh nghiệp chứng khoán khó khăn về dòng tiền, mang đến rủi ro cho nhà đầu tư... Chính vì vậy, ngay trong phiên, VN-Index chìm trong sắc đỏ, giảm 25 điểm.
Trước đó, vài hôm cũng rộ tin đồn công ty luật ở Mỹ điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán của một hãng ô tô điện có vốn hóa lớn của Việt Nam. Dù chưa rõ đúng sai, VN-Index giảm tới trên 29 điểm.
Những cổ phiếu uy tín top đầu (blue-chips) đua nhau giảm điểm khi VIC giảm 6,43% so với tham chiếu, VHM giảm 5,35%, VRE giảm 4,4%. Ba mã này kéo VN-Index giảm 5,8 điểm.
Nhóm ngân hàng, VCB (Vietcombank) giảm 2,73%, BID (BIDV) giảm 1,94%, SHB giảm 3,45%, VPB giảm 3,02%... Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm 2,57% so với tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều đỏ, với 17 mã giảm từ 2% trở lên.
Chị Nguyễn Thị Linh, một nhà đầu tư tại Hà Nội, chấp nhận xả lỗ sau 3 tháng tưởng như đã "bắt đáy". Chị Linh chia sẻ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, giá mỗi cổ phiếu của VCB đều giảm 90.000-94.000 đồng. Đến phiên 14/8, cổ phiếu này giảm xuống 88.900 đồng, chị ôm vào 3.000 cổ phiếu (266,7 triệu đồng), chờ tăng giá sẽ bán. Nhưng từ đó, phiên tăng giá thì ít, phiên giảm thì nhiều. Do đó, khi có thông tin không tốt chị đã chấp nhận bán lỗ 85.700 đồng/cổ phiếu.
"Cổ phiếu lên chậm nhưng xuống thì nhanh lắm. Một tin đồn dữ, bay vài chục phần trăm là chuyện thường, thế nên tôi bán thu vốn rồi tính tiếp", chị Linh chia sẻ.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Trong cơn hoảng loạn, anh Trần Văn Nguyên, một nhà đầu tư ở Hà Nội, cũng bán lỗ 5.000 cổ phiếu VPB vừa mua vài hôm trước với giá mua vào 20.400 đồng/cổ phiếu. Lúc bán ra, giá cổ phiếu còn 19.100 đồng. Khi tin đồn trôi qua, chứng khoán lại tăng giá khiến anh tiếc nuối.
Tìm hiểu của PV, những tin đồn này được lan truyền thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Zalo bằng các nội dung lấp lửng không rõ ràng. Các hội nhóm này được lập bởi một số môi giới chứng khoán, thường định hướng cho các thành viên đầu tư vào một số mã chứng khoán nào đó và dìm các mã không thuộc đối tượng định hướng của trưởng nhóm.
Chị N.T.H, trưởng một nhóm đầu tư chứng khoán, thừa nhận việc lan truyền thông tin dạng này sẽ tác động đến thị trường. Tuy nhiên, không ít môi giới chọn cách tạo uy tín bằng việc chia sẻ với khách hàng thông tin "đón đầu".
Mức phạt cần tương ứng với thiệt hại
Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS đánh giá, khi một tin đồn xuất hiện, nhà đầu tư thường phản ứng bằng cách mua hoặc bán cổ phiếu. Điều này có thể tạo ra sự biến động lớn trong giá cổ phiếu và thậm chí dẫn đến sự dao động mạnh chỉ số chứng khoán.
Tin đồn thường được tung ra với mục tiêu kiếm lợi ích cá nhân, như mua rẻ cổ phiếu, sau đó đẩy giá lên để bán, hoặc gây rối thị trường để tận dụng những tình huống biến động.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, chứng khoán là thị trường thông tin. Vì thế, tung tin đồn thất thiệt là rất nghiêm trọng. "Cơ quan quản lý đang tăng cường điều tra, giám sát chặt chẽ, xử nghiêm một số vụ điển hình liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt với mục đích trục lợi", bà Bình nói.
Tính đến 27/10, thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 1.600 cổ phiếu niêm yết với quy mô vốn hóa đạt 5.559 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2022. Trong tháng, tổng số tài khoản mở mới là 167.659 tài khoản, số tài khoản thực hiện đóng là 545.386 tài khoản.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, hiện nay đã có chế tài xử lý đối tượng tung tin đồn thất thiệt (Nghị định 15/2020). Song, quy định hiện nay đang đánh đồng đối tượng tung tin đồn, giữa một bên tung tin đồn vô hại với một bên tung tin đồn gây thiệt hại có thể đong đếm và không thể đong đếm được. Mức phạt trên dưới 10 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe.
Ông Đức cho rằng, cần phân biệt đối tượng tung tin đồn vô hại với đối tượng tung tin đồn có hại, mang tính trục lợi, từ đó áp dụng khung hình phạt phù hợp. Cùng đó, cần tăng khung phạt gấp 2-3 lần so với thiệt hại từ tin đồn gây ra nếu thiệt hại đong đếm được bằng tiền. Ngoài ra, cũng cần tăng khung phạt đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng đối với những tin đồn gây thiệt hại mà thiệt hại đó không đong đếm được bằng tiền để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
"Nhìn từ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông đối với các lỗi phổ biến cho thấy rõ hiệu quả. Khung phạt tăng lên, người tham gia giao thông cũng ý thức hơn, kéo giảm tai nạn. Với lĩnh vực chứng khoán cũng nên như vậy", luật sư nói.
Chuyên gia của VPS khuyến nghị nhà đầu tư nên nghiên cứu và phân tích cơ bản dựa trên thông tin có giá trị và tin cậy. Việc thận trọng với các tin đồn xuất hiện trên thị trường và kiểm tra nguồn tin sẽ giúp nhà đầu tư rèn luyện cả bản lĩnh, sự tỉnh táo, tránh tin vào thông tin vô căn cứ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận