Hàng hải

Ngăn giá cước vận tải container tăng vô tội vạ

16/07/2021, 06:00

Gần một năm qua, DN Việt loay hoay tìm đường xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh cước vận tải container tăng phi mã và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Với 90% hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận giá cao nếu không muốn hàng hóa ách tắc (Báo Giao thông đã có nhiều bài phản ánh). Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý đã làm gì để cùng tháo gỡ?

img

Hiện, 90% hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài

Ông Hoàng Hồng Giang (Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam):
Minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác liên ngành về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển của các hãng tàu có tuyến hoạt động đi châu Âu, châu Mỹ cho thấy, đối với khách hàng ký hợp đồng dài hạn, giá cước được giữ cố định và không bị điều chỉnh bởi sự thay đổi giá trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Đối với chủ hàng nhỏ không ký hợp đồng vận tải dài hạn, giá cước thả nổi theo thị trường.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, cơ quan quản lý Nhà nước khó kiểm soát được vấn đề giá cước của hãng tàu vì giá cả vận hành theo quy luật thị trường.

Mặt khác, do Việt Nam chưa có doanh nghiệp logistics quốc tế vươn tới châu Âu, châu Mỹ nên 80 - 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang thực hiện theo tập quán mua CIF, bán FOB (những điều kiện giao hàng phổ biến - PV), quyền thuê tàu và chi trả giá cước vận tải thuộc về đối tác nước ngoài nên việc chủ hàng Việt Nam can thiệp vào chuỗi vận tải quốc tế là rất khó.

img

Ông Hoàng Hồng Giang

Để đảm bảo quyền lợi về giá cước vận tải cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, cần phải xây dựng một hệ thống giải pháp. Trước tiên là minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch, tránh hiện tượng hội sở (công ty mẹ) hãng tàu nước ngoài công bố giá cước 5.000 USD nhưng đại lý tại Việt Nam “thổi” giá lên 7.000 USD.

Tiếp đến là minh bạch về chất lượng dịch vụ. Cục Hàng hải VN sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền tìm hiểu thông lệ quốc tế để xây dựng quy định phù hợp, yêu cầu hãng tàu khi đến hoạt động tại cảng biển Việt Nam phải đăng ký và đảm bảo sự ổn định về số tuyến, số chuyến, số phương tiện, khung thời gian hoạt động, số chỗ trống cấp cho chủ hàng…

Về giải pháp ngắn hạn, Cục sẽ cùng các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan làm việc với các hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và các hãng tàu đề nghị ổn định giá vận chuyển để có thể lâu dài khai thác thị trường tiềm năng tại Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành.

Đồng thời, đảm bảo thủ tục thông thoáng, hạ tầng luồng lạch cho tàu lớn hành hải làm hàng thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Tình trạng “nóng” giá cước vận tải hiện nay diễn ra trên toàn cầu và khu vực, không chỉ riêng Việt Nam. Thực tế, có thời điểm, số lượng container rỗng các hãng tàu nước ngoài đưa về Việt Nam còn nhiều hơn thị trường khác như Thái Lan. Thậm chí, họ còn bổ sung thêm chuyến, thêm tuyến để cùng cơ quan chức năng và chủ hàng Việt Nam duy trì, vận hành chuỗi vận tải hàng hóa nên thông tin việc hãng tàu chèn ép giá cước vận tải container với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam là chưa xác thực.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):
Bám sát diễn biến để đề xuất, kiến nghị phù hợp

img

Ông Trần Thanh Hải

Chi phí logistics tại Việt Nam còn cao vì nhiều nguyên nhân như: Chi phí vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ còn cao do hệ thống hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ, kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế; Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp do hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý; các loại phí, phụ phí do hãng tàu nước ngoài quy định…

Cắt giảm chi phí logistics là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa do Bộ Công thương quản lý.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải và các quy hoạch khác.

Bên cạnh đó, bám sát diễn biến tình hình giá cước tàu biển và phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa để có các giải pháp, kiến nghị, đề xuất hướng xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí logistics đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên. Để đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và sự chủ động, đổi mới từ chính bản thân doanh nghiệp logistics.

Ông Phạm Quốc Long (Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải):
Cần khung giá cước cụ thể

img

Ông Phạm Quốc Long

Việc hãng tàu tăng giá vô tội vạ ngoài lý do dịch Covid-19 khiến hoạt động khai thác cảng biển bị tắc nghẽn, tốc độ quay vòng của phương tiện và container bị chậm, hãng vận tải phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí thì nguyên nhân sâu xa còn do sự hạn chế số lượng hãng vận tải và sự liên minh, liên kết giữa các hãng tàu ngày càng mạnh mẽ.

Cụ thể, giai đoạn trước, tham gia vào thị trường vận tải container trên thế giới có khoảng 20 hãng tàu lớn, nhưng 2 - 3 năm gần đây, quá trình mua bán, sáp nhập giữa các hãng khiến số lượng hãng vận tải chỉ còn 8 hãng tàu lớn, chia làm 3 liên minh. Hãng tàu càng ít, chủ hàng Việt Nam càng ít lựa chọn và phải chịu cảnh phụ thuộc về giá.

Thực tế hiện nay, Nghị định 146/2016 quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển mới chỉ yêu cầu hãng tàu đăng ký, niêm yết giá trong trường hợp điều chỉnh giá vận chuyển, phụ thu ngoài giá mà không yêu cầu các hãng vận tải phải đăng ký khung giá cụ thể. Mức tăng, giảm hoàn toàn do các hãng tàu quyết định.

Vì vậy, quy định đăng ký hiện nay cũng không có giá trị nhiều đối với công tác quản lý. Hơn nữa, hình thức xử lý đối với hãng tàu nước ngoài niêm yết giá muộn hoặc chậm cũng chỉ là xử phạt hành chính với mức phạt rất thấp, không đáng kể so với mỗi lần tăng giá, phụ thu của hãng tàu.

Thẳng thắn nhìn nhận, do đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận được một tỷ lệ rất nhỏ hàng hóa xuất nhập khẩu (chủ yếu hoạt động ở khu vực nội Á), sân chơi vận tải container gần như thuộc về các hãng tàu nước ngoài nên việc kiểm soát giá họ áp dụng là rất khó.

Giải pháp tối ưu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng giá cước tốt hiện nay là chúng ta cần có những hiệp hội ngành hàng đủ mạnh để thương thảo với các hãng tàu, đưa ra một mức giá hợp lý cho chủ hàng trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN cần vận dụng tối đa các văn bản pháp luật hiện hành và nghiên cứu các hiệp định thương mại với các quốc gia để có quy định phù hợp về việc yêu cầu các hãng tàu phải thực hiện đăng ký số tuyến, khung giá cước cụ thể khi vào hoạt động tại cảng biển Việt Nam.

Giá cước đăng ký phải có mức sàn, mức trần đối với từng chặng cụ thể, không phải thả nổi, thích tăng bao nhiêu thì tăng, giảm bao nhiêu thì giảm mà không cần giải thích lý do.

Giá cước do bên vận chuyển và bên thuê thương thảo

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thì giá cước vận chuyển đường biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.

Theo quy định tại Bộ luật Hàng hải thì giá cước vận chuyển bằng đường biển do người vận chuyển và người thuê vận chuyển thương thảo ghi trong hợp đồng. Doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá và niêm yết phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 146/2016 về việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.

”Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển và dự kiến sẽ công khai kết quả kiểm tra trong thời gian tới”, vị này cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.