Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro lớn nhưng không có nghĩa các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phản ánh, theo Thông tư 36, từ tháng 1/2019, nguồn vốn tín dụng vào bất động sản giảm khi NHNN siết quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% xuống còn 40%.
Theo dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ giảm xuống 30%, đồng thời nâng hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng gấp 3 lần lên 150%.
“Chỉ làm sao chọn dự án đầu tư có hiệu quả, chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét đầu tư”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng đề cập tới hai nội dung giải ngân cho vay bất động sản. Đó là phần vốn giải ngân trực tiếp kinh doanh bất động sản. Và thứ hai là cho vay thông qua các sản phẩm tiêu dùng đời sống để người dân mua bất động sản.
Ông Hùng cho biết, đến 31/12/2018, tốc độ tăng trưởng dư nợ cả trực tiếp và gián tiếp vay mua bất động sản tăng 31,7%. “Tăng trưởng tín dụng trực tiếp chững lại nhưng lại đẩy mạnh cho vay đời sống. Nghĩa là thúc đẩy nguồn tiêu thụ cho chủ đầu tư, thậm chí bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai trong kinh doanh bất động sản. Nên dù chủ đầu tư có dư nợ không cao nhưng tốc độ vay mua bất động sản cho dân mua chung cư, mua bất động sản là cao, ba tháng đầu năm, tốc độ tăng 3,24% so với 2018”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thông tin.
Do đó, ông Hùng cho rằng dù đánh giá có nhiều tiềm ẩn nhưng các ngân hàng vẫn đánh giá các dự án cho vay bất động sản cũng như tổ chức, cá nhân vay phục vụ đời sống mua bất động sản vẫn tăng.
Đề cập tới việc sửa đổi Thông tư 36, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đưa ra theo định hướng là theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn hệ thống, làm sao đến 2020 đưa về tỷ lệ 30% nhưng không chỉ áp dụng riêng với lĩnh vực bất động sản mà là áp dụng tất cả các lĩnh vực đầu tư chung.
Theo đại diện NHNN, quy định với bất động sản sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn hộ để tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Bởi ông Hùng cho rằng, đây là loại sản phẩm trên thị trường đang thiếu và góp phần thúc đẩy chủ đầu tư cung cấp mặt hàng này. Ngoài ra còn tạo điều kiện để người dân có thể vay tiền ngân hàng mua căn hộ phục vụ cuộc sống.
NHNN cũng cho biết, nhiều địa phương ven biển có dự án bất động sản nhưng không thể vay vốn ngân hàng do vướng mắc hồ sơ quy hoạch đất đai. Khi chưa có hồ sơ quy hoạch đất đai cụ thể, ngân hàng không thể cho vay. Còn với các dự án đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục, ngân hàng sẽ giải ngân nhanh chóng. Ông Hùng cũng khẳng định ngân hàng không thiếu vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận