Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 4/11 cho biết, hiện mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn.
Trong khi đó, cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99-350 đồng/tin nhắn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng ước tính sơ bộ, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu tin nhắn/tháng, còn các ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin nhắn/tháng.
“Như vậy, với số lượng tổ chức tín dụng, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là gánh nặng khá lớn nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng liên tục kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi... cho khách hàng”, ông Hùng nói.
Được biết, vấn đề giá cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng này Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã 4 lần gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và hồi giữa năm nay cũng một lần nữa được đề cập. Trong đó Hiệp hội đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, Hiệp hội cho biết đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ TT&TT hay các doanh nghiệp viễn thông đối với đề nghị giảm phí.
“Trong bối cảnh khó khăn, chịu tác động chung của đại dịch, việc các doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ cùng nhau là hết sức có ý nghĩa. Việc giảm phí tin nhắn giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong phục hồi sản xuất và ổn định đời sống sau đại dịch”, ông Hùng nói.
Hiệp hội Ngân hàng cũng yêu cầu các nhà mạng cần sớm có câu trả lời cho những câu hỏi: Đâu là cơ sở để đưa ra mức giá tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường? Nếu là do yêu cầu chi phí đầu tư cho bảo mật thì tại sao tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng gửi từ nhà mạng vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào tính an toàn trong giao dịch số với ngân hàng? Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả danh ngân hàng?
Hiệp hội phản ánh, hiện nay nhiều người dùng nhận được tin nhắn từ đầu số không phải của ngân hàng nhưng có tên hiển thị giống (brandname) với ngân hàng với nội dung: "Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vào https://vn-'tên ngân hàng'.com de huy thanh toan".
Do tin nhắn gửi trùng tên ngân hàng nên nhiều người nghĩ rằng nhận được cảnh báo của ngân hàng nên truy nhập vào đường link giả mạo trên và bị lừa hàng trăm triệu đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo và hướng dẫn khách hàng ứng phó với tin nhắn giả mạo nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng, vai trò chính là các nhà mạng cung cấp dịch vụ tin nhắn phải có phương án cụ thể và phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, với cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề này. Từ đó có thể “vá lỗ hỏng” bảo mật, cần triển khai các dịch vụ tăng cường bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.
“Các ngân hàng trả phí cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS Brandname thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng và nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để”, ông Hùng nói.
Liên quan tới phản ánh trên, trao đổi với PV Báo Giao thông đại diện các nhà mạng cho hay đã tiếp nhận thông tin, nhưng hiện chưa thể phản hồi. "Khi nào có chỉ đạo cụ thể từ Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ thông tin", đại diện một nhà mạng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận