Mỗi năm, hệ thống ngân hàng cần 4 tỷ USD để tăng vốn song hai năm nay loay hoay mới được hơn 2 tỷ USD - Ảnh: K.Linh |
Chậm số hoá, chi phí nhân sự cao
Nhìn lại lĩnh vực ngân hàng năm 2018, chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Điều hành của Ngân hàng T.Ư bài bản, thận trọng hơn khi khống chế thành công tăng trưởng tín dụng hệ thống 14-15% cả năm; tỷ giá hối đoái và lãi suất được giữ tương đối ổn định (tăng nhưng không đáng kể).
Chính sách điều hành đó đã tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng trên một số khía cạnh: Các tổ chức tín dụng (TCTD) buộc phải cơ cấu, lựa chọn lại danh mục đầu tư sao cho hiệu quả hơn; Các ngân hàng, nhất là những đơn vị trong diện phải tái cơ cấu khó lòng trông đợi lợi nhuận cao từ tăng trưởng “nóng” tín dụng. Thay vào đó, muốn hoạt động hiệu quả, buộc phải tiết kiệm chi phí.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, năm 2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ước đạt 14-15%, thấp hơn 3-4% so với năm 2017. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống ước tăng 15%, tương đương năm 2017 là 14,6%. Trong đó, vốn huy động ngoại tệ tăng mạnh, khoảng 17% (năm 2017 chỉ tăng 2,1%), chiếm 9,9% tổng vốn huy động. Lãi suất tiền gửi trên thị trường tăng bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%). Cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân giảm từ 30,4% năm 2017 xuống còn 28,7% năm 2018. Kết quả kinh doanh của các TCTD tăng trưởng khả quan, lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017... |
“Tổng chi phí hoạt động của ngân hàng hiện chiếm 14-20% tổng chi phí của hệ thống ngân hàng, cao hơn nhiều các nước trong khu vực là dưới 14%. Muốn vậy, các TCTD phải tập trung các giải pháp công nghệ, số hoá từ công tác đào tạo, quản trị tới quy trình kiểm soát, hoạt động tín dụng, nhất là trong các dịch vụ. Thay vì trực tiếp tới ngân hàng, khách hàng có thể ngồi nhà giao dịch, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả ngân hàng, khách hàng”, ông Nghĩa nói và lấy ví dụ như ở Tây Ban Nha, có những phòng giao dịch từ 100 nhân sự, sau khi số hoá chỉ còn 4 nhân sự.
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy chung quan điểm: Ngành Ngân hàng muốn cải thiện chỉ số lợi nhuận và nhanh chóng có nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu cũng như nhanh chóng đáp ứng chuẩn Basel 2, chỉ còn con đường số hóa. Trong khi đó, tình trạng hiện đại hóa công nghệ ngành Ngân hàng theo đánh giá của ông Lê Đức Thúy là quá chậm. “Chỉ một số rất ít ngân hàng tư nhân nhỏ đang mon men đi vào công nghệ số hóa nhưng cũng chỉ ở môi trường số là chính chứ chưa đi vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Còn tình trạng phổ biến hiện nay là các ngân hàng đang xin bằng được mở chi nhánh, tăng biên chế mà ít quan tâm giảm biên chế, tăng năng lực quản trị qua số hóa. Hiện, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam không đơn vị nào dưới 1.000 nhân sự khiến chi phí lương rất lớn”, ông Thuý nói và dẫn chứng thêm, biên lợi nhuận (NIM) của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 3% là khá thấp.
Lo ngại nợ xấu, sở hữu chéo
Ông Nguyễn Xuân Thành (Giảng viên trường Đại học Fullbright Việt Nam) chia sẻ góc nhìn: mối “quan ngại” của hệ thống ngân hàng chính là vấn đề tăng vốn, chứ không phải vấn đề nợ xấu. Bởi, nếu tiềm lực tài chính mạnh, nợ xấu cũng dễ dàng được xử lý. Ông Thành cho rằng, khi ngân hàng có vốn “khỏe” và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Basel 2 thì Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế nới “quota” tín dụng đến mức trần chịu đựng của ngân hàng đó, còn không sẽ bị siết không cho tăng trưởng tín dụng cao. “Đây chính là động lực để ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu”, chuyên gia của Đại học Fullbright nói.
Trong khi đó, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy lại cho rằng sở dĩ các nhà đầu tư ngại ngần vào ngân hàng một phần là bởi vẫn còn gánh nặng nợ xấu. Chính điều này đã cản trở việc tăng vốn của các ngân hàng. “Để tăng vốn mỗi năm hệ thống phải bỏ ra 4 tỷ USD phục vụ việc tăng vốn mà hai năm nay loay hoay mới được hơn 2 tỷ USD”, ông Thúy nói.
Nguyên Thống đốc NHNN cũng bày tỏ lo ngại hiện tượng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa được xử lý triệt để. Ông nhấn mạnh, cần xóa bỏ tình trạng chủ tịch một tập đoàn thống trị cả ngân hàng. “Ngân hàng nằm trong tay tập đoàn, bị các tập đoàn chi phối sẽ không tập trung được vốn cho vấn đề lớn của quốc gia là công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay ưu tiên phát triển ngành nọ, ngành kia. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nên cảnh báo vấn đề này vì đây cũng là cản trở lớn nhất của cải cách quản trị ngân hàng hiện nay khi chỉ có một số ngân hàng làm tốt, còn đại đa số ngân hàng đều rơi vào vướng mắc khi có tình trạng sở hữu chéo”, ông Thuý cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận