Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa rao bán Quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Bến xe phía Nam Đà Nẵng (Bến xe Đức Long Đà Nẵng).
Bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư hơn 130 tỷ đồng nhưng nay gần như bỏ hoang vì không có xe khách vào bến
Giá bán tối thiểu ngân hàng đưa ra là hơn 48 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại Vietinbank.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa bến xe của TP.Đà Nẵng, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư bến xe khách phía Nam với mức vốn hơn 130 tỷ đồng.
Bến xe khởi công đầu năm 2011, khánh thành vào tháng 9/2012 với tiêu chuẩn bến xe loại 1, nằm trên trục QL1 thuộc xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
Bến xe có diện tích hơn 63.120m2, được xây dựng khang trang, đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé…
Hạ tầng Bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư khang trang nhưng giờ xuống cấp trầm trọng do bỏ phế nhiều năm
Thế nhưng, chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động, bến xe phía Nam hoạt động không hiệu quả. Chỉ có vài lượt xe xuất bến mỗi ngày, chủ yếu là tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn.
Nguyên nhân là do TP. Đà Nẵng không phân bổ lại luồng, tuyến giữa Bến xe trung tâm và bến xe phía Nam như cam kết ban đầu.
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục giữ nguyên bến xe trung tâm thành phố tại quận Cẩm Lệ, không di dời xây dựng bến xe phía Bắc tại quận Liên Chiểu theo đúng quy hoạch trước đó.
Đồng thời, Đà Nẵng tiếp tục cho thuê đất 50 năm để bến xe trung tâm tiếp tục hoạt động tại vị trí cũ.
Một nhà xe từng hoạt động tại bến xe phía Nam chia sẻ với Báo Giao thông, bến cách trung tâm thành phố hơn 10km. Xung quanh dân cư thưa thớt, hệ thống giao thông công cộng chưa kết nối khiến việc đi lại của hành khách gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí.
Khuôn viên Bến xe phía Nam Đà Nẵng hiện nay chỉ có xe tải các loại đậu, đỗ
Trong khi đó, xe trung chuyển tại Đà Nẵng bị siết, dẫn đến việc nhà xe muốn đưa khách từ bến xe phía Nam về nhà bằng xe trung chuyển khó khăn hơn.
Việc không có xe khách tuyến cố định hoạt động khiến bến xe trăm tỷ rơi vào cảnh "chết yểu". Suốt 10 năm qua không được cải tạo dẫn đến nhếch nhác, hoang phí. Hiện nay chỉ có các loại xe tải dùng sân bến xe làm nơi đậu, đỗ.
Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết, hiện phía công ty đang tạm thời quản lý hoạt động của Bến xe phía Nam. Còn lại hạ tầng vẫn thuộc sở hữu của phía Đức Long Đà Nẵng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP. Đà Nẵng, việc ngân hàng rao bán hơn 3.000m2 đất tại bến xe phía Nam để thanh toán nợ không ảnh hưởng đến việc quy hoạch bến xe.
“Quy hoạch bến xe thì chỉ làm đúng mục đích bến xe thôi" lãnh đạo Sở GTVT TP. Đà Nẵng biết thêm.
Theo cơ quan chức năng, trước khi Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất ở Bến xe phía Nam Đà Nẵng (nếu có), việc mua bán, chuyển nhượng đất, tài sản trên đất tại đây phải đảm bảo quy định pháp luật và quy hoạch bến xe, mục đích kinh doanh bến xe hiện hành.
Năm 2015, Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai xây dựng tạm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện - điện tử LED trên phần đất diện tích bến xe phía Nam.
Theo đó, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử này sẽ xây dựng quy mô 3 ha, chiếm khoảng 40% diện tích Bến xe phía Nam, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu USD, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử: Chủ yếu là đèn led, dùng cho máy tính, điện thoại, đèn tín hiệu giao thông… xuất khẩu. Tuy nhiên không hiểu lý do gì sau đó dự án này không thành hiện thực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận