Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh nhờ doanh thu dịch vụ bứt phá - Ảnh: Tạ Tôn |
Bứt phá mạnh
6 tháng đầu năm, Vietcombank tung kết quả kinh doanh 6 tháng rất sớm và ở mức cao. Thông tin với PV Báo Giao thông, Vietcombank cho biết, các tỷ suất sinh lời của Vietcombank đều được cải thiện mạnh và đang ở mức cao hơn trung bình của các ngân hàng trong ngành. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã đạt tới 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và đã đạt 55,2% kế hoạch năm 2018. Với kết quả này, mục tiêu 13 nghìn tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2018 sẽ không khó khăn với “ông lớn” này.
Ở top dưới, một số ngân hàng có sự bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm nay như VIB. Hai quý đầu năm, ngân hàng này đã đạt 2.701 tỷ đồng doanh thu ròng, tăng 56% so với cùng kỳ 2017. Đáng chú ý, VIB đã tiết giảm chi phí hoạt động khá tốt, chỉ tăng 16% lên 1.316 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có năng suất lao động được đánh giá là cao nhất ngành trong 6 tháng qua với 230 triệu đồng/nhân viên. Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của ngân hàng này đã đạt 1.151 tỷ đồng, tăng tới 201% so với cùng kỳ năm 2017. VIB tham vọng lợi nhuận cả năm vượt 2.500 tỷ đồng (vượt 25% chỉ tiêu đại hội cổ đông giao), mức lợi nhuận 6 tháng cũng đã tương đương gần 50% chỉ tiêu này.
Một ngân hàng khác là NamA Bank cũng đạt lợi nhuận trước thuế khá cao là 292 tỷ đồng 6 tháng đầu năm. Đầu năm nay, NamA Bank được cổ đông giao chỉ tiêu lợi nhuận 300 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 quý ngân hàng này đã hoàn thành 97,3% kế hoạch năm. Đây cũng được coi là mức tăng trưởng ấn tượng của NamA Bank trong vòng mấy năm qua. Hay OCB cũng đã đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trong tháng. Do đó, ngân hàng này tự tin đạt thậm chí vượt mục tiêu 2.000 tỷ đồng là hoàn toàn có cơ sở…
Lợi nhuận sẽ tăng ít nhất 8%, nhiều nhất 150%
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngành Ngân hàng sẽ tăng ít nhất 8% lên mức cao nhất là 150% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm. So sánh với một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề cũng đang công bố kết quả kinh doanh 6 tháng có thể thấy, tỷ lệ tăng lợi nhuận của ngành Ngân hàng nói chung cao đều và cao nhất.
Theo kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng đều đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Có tới 67,4% số ngân hàng cho biết tình hình kinh doanh trong quý II có cải thiện tốt hơn so với quý trước, trong đó 18,8% là “cải thiện nhiều”. Có 76,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III và 82,6% kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong cả năm 2018, riêng 1/3 số này dự đoán kết quả kinh doanh sẽ “cải thiện nhiều”. |
Điểm đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của đa số ngân hàng trong hai quý đầu năm không cao (tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm toàn ngành đạt 7,88%, thấp hơn 6 tháng năm ngoái là 9,06%). Là ngân hàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động, TPBank cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập đầy đủ dự phòng của ngân hàng đạt ấn tượng 1.024 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018.
Ngân hàng này tiết lộ: Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng bên cạnh việc tăng thu từ tín dụng (tín dụng đạt 81.150 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2017), có phần đóng góp tích cực tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó là thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, nằm trong chiến lược đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ của ngân hàng.
Cũng theo HSC, lợi nhuận các ngân hàng cao do đang hưởng lợi từ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng nhờ lãi suất tăng. Bên cạnh đó là thu nhập từ các mảng kinh doanh ngoại hối trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, tăng phí dịch vụ hay lãi từ bán Trái phiếu Chính phủ, thanh lý tài sản đảm bảo… Một số ví dụ thực hiện tốt các nguồn thu ngoài tín dụng như Vietcombank chuyển nhượng cổ phần, thu từ bảo hiểm như TPBank đã đề cập ở trên, mở rộng mảng tài chính tiêu dùng như MBB…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận