Ngay cả gói vay có lãi suất ưu đãi (2%), tiền đã sẵn nhưng cũng mới giải ngân được 0,3%...
Vốn rẻ đã sẵn song không vay được
Số liệu công bố đầu tháng 3 của NHNN cho thấy, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân ngưỡng 0,4%.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh ổn định vẫn tiếp cận vốn dễ dàng, trong khi những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cần bơm vốn gấp lại rất chật vật để được các ngân hàng rót vốn.
Lãi suất cho vay ở các ngân hàng giảm trung bình khoảng 0,4%/năm
Anh Lê Phong, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhất Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm, cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán, anh vay Ngân hàng BIDV 4 tỷ đồng, được giải ngân với lãi suất 9,5%/năm. Tháng 3 này, anh vay tiếp một khoản 4 tỷ đồng sau khi thanh toán khoản vay cũ và được hưởng lãi suất 8,5%, thấp hơn mức cũ 1%.
Ngược lại, anh Nguyễn Văn Dũng, giám đốc một công ty sản xuất thiết bị điện tử cho biết, do công nợ tồn đọng, anh cần vay ngân hàng 200-300 triệu đồng để giải quyết tiền lương cho công nhân, song mấy tháng nay đều không cách nào vay được.
“Tôi liên hệ với bạn tôi ở Viettinbank, họ nói sẽ có người liên lạc lại trao đổi về tình hình khoản vay nhưng mấy tuần nay không thấy”, anh Dũng nói và cho biết đã liên hệ với tất cả các ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” song đều chưa có kết quả.
Nguyên nhân anh Dũng bị từ chối là tình hình kinh doanh không khả quan, kết quả kinh doanh không được kiểm toán.
Nói về gói vay giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 (40.000 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi 2%, anh Lê Phong thở dài: “Rất khó!”. Theo anh, công ty vay ngân hàng nhiều năm nay, việc vay vốn đều thuận lợi, các thủ tục đều nắm rõ… tuy nhiên, kế toán phải “bó tay” dù mất hàng tháng trời để đáp ứng hồ sơ theo yêu cầu của gói vay.
“Hồ sơ yêu cầu xin giấy tờ chứng minh từ cơ quan thuế, mà theo quy định, cơ quan thuế không cấp những giấy tờ này cho doanh nghiệp”, anh Phong ngao ngán và cho rằng, thủ tục gói vay đang đánh đố doanh nghiệp.
Trường hợp của anh Phong cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp khi muốn tiếp cận gói lãi suất vay 2%.
Thực tế, theo báo cáo của NHNN, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng (0,3%). Và NHNN cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.
Bộ Tài chính lý giải, điều kiện tiên quyết của Nghị định 31 là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng.
Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.
Nói về tình hình tiếp cận vốn từ các doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Trần Phương cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế… nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia chương trình tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, dù Chính phủ đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm qua như: Gói hỗ trợ 2% lãi suất; gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận.
Giải pháp nào?
Với những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị “nới” các điều kiện cho vay thông thoáng hơn. Ông dẫn chứng, đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất… tuy nhiên, có tới 60% doanh nghiệp nhỏ, rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay.
“Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, các ngân hàng không thể đột phá được, bị bó về mặt cơ chế thì ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay cũng không đơn giản”, ông Thân nói.
Theo ông Thân, các doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay hạ hơn nữa để tạo điều kiện cho họ đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục giãn hoãn các khoản nợ vay giống như giai đoạn dịch Covid-19 trước đây.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Vì vậy, họ sẽ không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.
Để tháo gỡ khó khăn này, ông Hiếu kiến nghị, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.
Còn ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn, lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.
Hiện, lãi suất cho vay các ngân hàng giảm trung bình khoảng 0,4%/năm. Tại Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Hà Nội lãi suất cho vay khoảng 9%/năm. Lãi suất có thể biến động tùy lĩnh vực, đối tượng khách hàng.
Tại Ngân hàng BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng cho các khoản vay ngắn hạn. Thời gian triển khai kéo dài từ ngày 1/1/2023 - 30/4/2023. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.
Ngân hàng BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng phục vụ khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, mua xe ô tô, tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh. Lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên, hoặc 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên…
Tại Ngân hàng VietinBank, đang triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất từ 7,1%/năm. Quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng. Lưu ý, chỉ áp dụng với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, thời gian vay tối đa 12 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận