Chuyện dọc đường

Ngăn hệ lụy từ tăng giá xăng dầu

15/03/2022, 06:21

Hơn hai tháng đầu năm nay, giá xăng dầu đã tăng tới 7 lần và hiện đã ở mốc 30.000 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.

Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

img

Vận tải là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá xăng dầu tăng. Ảnh: Tạ Hải

Hiện nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất lớn tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Nhất là khi hiện nay, các hoạt động kinh tế xã hội đã chuyển rõ rệt sang trạng thái bình thường mới, du lịch, hàng không quốc tế mở lại thì việc tăng giá xăng dầu càng gây áp lực lên ngành vận tải nhiều hơn.

Ngành vận tải, nhất là vận tải khách trong suốt hơn 2 năm qua đã phải chịu những khó khăn chồng chất do dịch bệnh, nay lại phải đối mặt với cú sốc giá xăng dầu nên hiện nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nhiều doanh nghiệp đang phải vắt óc tính toán phương án kinh doanh, cắt giảm chi phí vận hành nhưng gần như không có cách nào để hòa vốn chứ đừng nói có lãi.

Họ đang đứng trước bờ vực phá sản, khi quá khó khăn để đưa ra quyết định có tăng giá cước hay không? Nếu tăng thì còn có khả năng tồn tại, nhưng cũng đồng nghĩa với việc có thể mất khách.

Với lĩnh vực vận tải hàng hoá cũng tương tự, một khi giá cước tăng sẽ kéo theo tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông. Điều này sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Theo các nghiên cứu, với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%; làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Nếu giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát.

Mặt khác, khi giá xăng dầu tăng cao, các hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Tóm lại, tác động của việc tăng giá xăng dầu tới ngành vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung là rất lớn.

Ngoài việc giảm thuế môi trường, các bộ ngành chức năng cũng cần đề xuất giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế. Chẳng hạn có thể mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ; nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước…

Ngoài ra, cần chuyển hướng mạnh sang sử dụng năng lượng sạch và bền vững trong sản xuất và đời sống, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ khủng khoảng xăng dầu như hiện nay.

Nguyễn Văn Thanh
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.