Bạn cần biết

Ngàn lẻ “bệnh khó nói” phá hạnh phúc vợ chồng

28/07/2018, 06:25

Mỗi khi gặp vấn đề trong chuyện ấy, chị em thường cho rằng đó không phải bệnh, không thể chữa trị.

15

Bác sĩ phòng khám Đơn vị Niệu nữ BV Bình Dân đang tư vấn cho người bệnh bị rối loạn tiết niệu, sinh dục

Đổ vỡ hạnh phúc vì chuyện… ấy

Tại Đơn vị Niệu nữ, BV Bình Dân, chị Nguyễn Mai A. (40 tuổi, quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết, lần này đến tái khám và muốn thông báo cho bác sĩ “chuyện ấy” đã cải thiện rất nhiều. Nhắc lại câu chuyện trước đây, chị A. không quên câu nói của chồng đã khiến mình phải bật khóc. “Khi nghe chồng nói “Em cái gì cũng giỏi, chỉ một chuyện ấy em không giỏi”, tôi đã vô cùng đau khổ”. Đó là những lần chồng đụng đến người là chị A. như “đỉa phải vôi”. Theo chị A., dấu hiệu này kéo dài khá lâu. Ban đầu chị cố chịu đựng nhưng sau thì chị chào thua và hậu quả là vợ chồng xa cách nhau. Thật bất ngờ sau khi thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân do chị dùng thuốc ngừa thai không phù hợp dẫn đến kích ứng gây đau vùng nhạy cảm. Sau hai tháng thay đổi thuốc ngừa thai, tình trạng đã cải thiện và hai vợ chồng đã vui vẻ trở lại, không căng thẳng như trước kia.

Theo thống kê trên thế giới, 35-40% phụ nữ bị rối loạn chức năng sinh dục trong khi con số này ở nam là 30-35%. Tuy nhiên, việc thăm khám, điều trị ở nữ lại không được quan tâm đúng mức. 

Chị Trần Vi N. (39 tuổi, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ hôn nhân đang đứng bên bờ vực thẳm bởi đã 10 năm trôi qua kể từ ngày phát hiện chồng ngoại tình, chị vẫn chưa quên được. Nỗi ám ảnh theo vào trong những lần gần gũi vợ chồng, khiến chị cảm thấy đau, khó chịu… Chuyện này cứ lặp đi, lặp lại dù chị vẫn còn rất yêu chồng và muốn hàn gắn gia đình. Sau khi được thăm khám, bác sĩ đã tư vấn tâm lý giúp chị cải thiện mối quan hệ với chồng và dùng một số thuốc hỗ trợ khôi phục ham muốn, giảm đau.

Ths. BS. Phạm Hữu Đoàn, Đơn vị Niệu nữ, BV Bình Dân cho hay, trong những ca ông từng thăm khám, có bệnh nhân nữ chỉ vì són tiểu trong lúc quan hệ, đã quá xấu hổ, quyết định ly hôn chồng, chấp nhận một mình nuôi con. Chỉ đến khi đi khám chị mới biết nguyên nhân rất dễ giải quyết bằng cách kiên trì tập cơ sàn chậu, kiểm soát cơ giữ nước tiểu. May mắn, người chồng sau đó đã hiểu ra lý do tế nhị ấy và trở lại với vợ.

Tại phòng khám Đơn vị Niệu nữ, mỗi ngày tiếp nhận 40 bệnh nhân nữ đến khám các vấn đề rối loạn tiết niệu, sinh dục nữ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở đây, con số thực tế lớn hơn nhiều.

Ngộ nhận không phải là bệnh

Theo BS. Đoàn, phụ nữ Việt Nam khi gặp những rối loạn chức năng tiết niệu, sinh dục nữ thường có tâm lý chịu đựng, không đi khám bởi ngộ nhận đó là không phải là bệnh, không thể điều trị. Vì thế, có những trường hợp đổ vỡ gia đình vì người phụ nữ không thăm khám sớm. Trong khi đó, những biểu hiện đau khi giao hợp, tiểu lắt nhắt, tiểu đêm, són tiểu... hoàn toàn có thể điều trị rất dễ dàng.

Ông Đoàn chia sẻ, phụ nữ dù ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, sau khi sinh hoặc đang mang thai, bệnh tim, bệnh tiểu đường... đều có thể đạt được cuộc sống tình dục bình thường, thỏa mãn nếu có những lựa chọn và giải pháp phù hợp.

Thực tế, BS. Đoàn đã từng tiếp nhận trường hợp người vợ đã 80 tuổi cùng đi với người chồng trẻ hơn 12 tuổi đến khám và tư vấn các thuốc bôi trơn để giúp cuộc yêu thăng hoa. “Trường hợp người vợ lớn tuổi khiến tôi ấn tượng mãi vì chuyện này rất hiếm hoi ở Việt Nam. Tôi tìm hiểu được biết ở các nước phương Tây, phụ nữ trên 60 tuổi rất quan tâm điều trị rối loạn tình dục nữ bởi độ tuổi này, họ đã trút bỏ áp lực cuộc sống, muốn tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên ở Việt Nam, phần lớn phụ nữ hiếm khi tìm kiếm phương pháp điều trị cho mình bởi do tâm lý ngại ngùng. Chị em cần thay đổi suy nghĩ chăm lo sức khỏe tiết niệu, sinh dục của bản thân mới chính là cách bảo vệ hạnh phúc gia đình đúng đắn”, BS. Đoàn nói.

Theo khuyến cáo của BS. Đoàn, nếu chị em cảm thấy không thoải mái trong sinh hoạt vợ chồng khi gặp những vấn đề về niệu nữ như: Tiểu són, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, đau khi giao hợp, không đạt khoái cảm... cần thẳng thắn chia sẻ với bạn đời. Đồng thời, nhanh chóng tìm đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, điều trị, đừng âm thầm chịu đựng một mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.