Chính trị

Ngăn lợi ích nhóm trong làm luật thế nào?

19/03/2022, 06:26

Việc nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách trước hết phải căn cứ vào mục tiêu, mục đích của việc xây dựng chính sách.

Công tác xây dựng pháp luật bị chi phối, tác động; tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ bị lồng ghép trong văn bản pháp luật… là vấn đề đã được Bộ Chính trị nhận diện và yêu cầu sớm giải quyết.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là vấn đề cấp bách.

img

ĐBQH Lê Thanh Vân

Nhận diện lợi ích nhóm cách nào?

Là ĐBQH chuyên trách nhiều khóa, trực tiếp tham gia soạn thảo, góp ý nhiều văn bản luật, theo ông, có hay không tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật?

Theo tôi thì tình trạng này là có. Chính vì thế mới phải đặt ra những giải pháp để ngăn chặn.

Trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhiều khi chỉ cần thêm hoặc bớt một từ, một câu có khi tính chất đã trở nên rất khác. Theo ông, căn cứ vào đâu để nhận diện được một văn bản nào đó có tiêu cực, lợi ích nhóm hay không?

Biểu hiện của lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật rất tinh vi, trá hình dưới danh nghĩa tập thể. Nhưng nếu tinh tường thì có thể nhận định được tác động của chính sách đó nhằm vào ai, từ đó sẽ biết có lợi ích nhóm không.

Việc nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách trước hết phải căn cứ vào mục tiêu, mục đích của việc xây dựng chính sách. Thứ hai là dựa trên căn cứ nào để xây dựng chính sách? Thứ ba là lợi ích mang lại của việc thực thi chính sách đó như thế nào? Đây là những tiêu chí rất cần thiết.

Hiến pháp và pháp luật đã quy định rất trang trọng quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là các đại biểu có phát huy được trí tuệ và bản lĩnh hay không.
Bởi nếu không thì không thể nhận diện ra được đâu là lợi ích của nhân dân, đâu là lợi ích nhóm, từ đó lên tiếng phản bác. Không chỉ vậy, nếu như đại biểu “an phận thủ thường, mũ ni che tai” thì sẽ không còn là chỗ dựa cho Đảng để lãnh đạo đất nước.

Ông Lê Thanh Vân


Cụ thể hơn, trước hết cần xem xét việc khởi xướng xây dựng, thông qua cơ chế chính sách hướng đến nội dung gì, chủ thể nào. Khi thông qua, áp dụng, thực thi trên thực tế thì nó mang lại lợi ích gì, cho những ai? Có hay không hiện tượng bao che, bảo vệ lẫn nhau bằng việc bóp méo, cố ý hiểu sai quy định của pháp luật để trục lợi?

Nếu vì lợi ích của nhân dân, của đất nước thì không ai không ủng hộ. Nhưng nếu lợi ích chỉ dành cho một nhóm nhỏ, nhóm người có tiền, có quyền để chi phối các chủ thể có quyền quyết định chính sách thì sẽ là điều đáng báo động.

“Vận động”, “nhảy dù” vào quá trình làm luật

Trước nay đã có quy định nào liên quan và đã từng có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý do tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật chưa, thưa ông?

Thực ra trong các quy định pháp luật đã có và thực tiễn các vụ án tham nhũng đã thể hiện sự cục bộ, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Nhưng chúng ta chưa tổng kết để “chỉ mặt, đặt tên” cho từng cá nhân mà thôi.

Chẳng hạn, khi một đạo luật hay văn bản được ban hành với đầy đủ nguyên tắc, song khi hướng dẫn thi hành, triển khai thực hiện lại không đúng với quan điểm chủ đạo của luật, của văn bản đó. Đây chính là hiện tượng lách luật, chi phối của lợi ích nhóm.

Hay ở một số địa phương có hiện tượng lợi dụng việc ban hành chính sách theo thẩm quyền, từ đó đưa ra quy định có lợi cho một nhóm đối tượng. Điều này thường thể hiện rõ nhất trong công tác cán bộ, đất đai, khoáng sản, đấu thầu mua sắm, xây dựng cơ bản, cổ phần hóa…

Thực tế, có những luật, văn bản dưới luật vừa ban hành thời gian ngắn đã phải chỉnh sửa, thậm chí có không ít chồng chéo, xung đột… Theo ông, việc chi phối, tác động đến quá trình làm luật nếu có thường sẽ diễn ra ở khâu nào?

Việc sửa đổi bổ sung các đạo luật, văn bản dưới luật liên tục không hẳn là sự chi phối của lợi ích nhóm. Nhưng đôi khi có dấu hiệu của lợi ích cục bộ ở đó.

Có nhiều căn cứ phải sửa đổi, nhất là khi thực tiễn và cơ sở pháp lý đòi hỏi. Tuy nhiên, không loại trừ có hiện tượng “nhảy dù” vào quá trình xây dựng luật, pháp lệnh... Có thể là vì lợi ích của Bộ, ngành, của địa phương, thông qua nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như “vận động”…

Theo tôi, cần phải khôi phục trật tự kỷ cương trong lập pháp. Đó là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dù sửa đổi hay bổ sung đều phải trình Quốc hội quyết định.

Phát huy vai trò ĐBQH

Theo ông, việc xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật có ý nghĩa như thế nào?

Ngày 3/3/2022, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 556 về việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.
Theo Quyết định này, Ban soạn thảo có 17 thành viên, do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng ban. Phó ban thường trực là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, hai Phó ban là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng. Các thành viên còn lại gồm Chủ nhiệm, một số Phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.
Theo kế hoạch, dự thảo Quy định sẽ hoàn thành trong tháng 9 để trình Đảng đoàn Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy định và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tháng 12.


Việc ban hành văn bản quy định về kiểm soát quyền lực trong xây dựng chính sách là tối cần thiết, nhằm ngăn chặn cho được lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn sự chi phối, tác động của một nhóm người hay nhóm lợi ích nào đó.

Với Quốc hội thì đây chính là kiểm soát quyền lực ngay trong quá trình lập pháp, rộng hơn nữa là cả hệ thống chính trị.

Trong đó, việc kiểm soát quyền lực trong lập pháp đòi hỏi phải có sự phân công rành mạch ngay từ đầu. Quyền lập pháp phải để Quốc hội quyết định, không được ủy quyền cho bất kỳ cơ quan nào khác.

Ông vừa đề cập đến việc “ủy quyền cho cơ quan khác”, cụ thể vấn đề này thế nào, thưa ông?

Thực tế, chủ thể khởi xướng chính sách, pháp luật rất phong phú, trong đó có cả vai trò của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, thông thường, việc làm luật từ trước tới nay được giao cho cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan trực tiếp quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực trực tiếp xây dựng. Việc khởi thảo thường bắt đầu từ những chuyên viên.

Như ông nói thì luật của ta do nhiều cơ quan khác nhau soạn thảo theo thẩm quyền quản lý, chức năng của mình. Theo ông, việc này có nên thay đổi và thay đổi thế nào?

Chúng ta phải hướng tới làm sao bảo đảm các chủ thể có sáng kiến pháp luật lúc nào cũng có thể trình được dự án luật. Đừng dồn cho Chính phủ nhiều quá, vì Chính phủ còn phải tập trung điều hành chính sách.

Thứ hai là khi để các Bộ, ngành trình dự án luật thì phần nào đó họ sẽ bảo vệ lợi ích cho ngành mình. Và không loại trừ ở một vài trường hợp có lợi ích nhóm trong đó.

Vì vậy, để chống lợi ích nhóm ngay trong khâu lập pháp, cần phải có nhiều giải pháp. Trước hết là bảo đảm cho các chủ thể sáng kiến lập pháp có quyền trình dự án luật, đặc biệt là đại biểu Quốc hội. Điều này sẽ phần nào thay đổi diện mạo của cơ cấu sáng kiến lập pháp hiện nay.

Thực tế hiện nay còn rất hiếm đại biểu Quốc hội tự mình trình được dự án luật. Điều này do các đại biểu một phần, phần nữa là do cơ chế dành cho đại biểu còn thiếu và yếu.

Tiếp đến là phải mở rộng thành phần ban soạn thảo, cần có sự tham gia của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, các nhà khoa học và cả các đại biểu Quốc hội.

Việc tham gia ngay từ đầu như vậy sẽ đảm bảo được tính khách quan, chứ không phải như hiện nay khi xây dựng xong mới tổ chức các hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến đóng góp.

Như ông nói thì cơ chế dành cho đại biểu còn thiếu, vậy cần phải thay đổi ra sao? Bản thân ông đã có sáng kiến lập pháp nào chưa?

Về sáng kiến lập pháp, đã 3 nhiệm kỳ tôi đề nghị ban hành đạo luật về trọng dụng nhân tài. Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII đã tiếp thu và nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa khởi xướng được.

Trong khi đó, tôi công tác chuyên trách ở Quốc hội, một mình tôi làm sao có đủ thời gian để soạn một dự án luật?

Cảm ơn ông!

PGS. TS. Đinh Xuân Thảo (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp):
Cần cơ chế giám sát, gắn trách nhiệm

Hiện nay ở ta, thường một đạo luật được soạn thảo bởi Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Điều này có sự thuận lợi là cơ quan đó nắm rõ tình hình trong lĩnh vực mình quản lý. Sau này Quốc hội thông qua thì chính họ cũng là cơ quan tổ chức thực thi.

Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt thì cũng có thể phát sinh hiện tượng lợi ích nhóm. Bởi về mặt chủ quan thì rất dễ có tâm lý cơ quan soạn thảo luôn bảo vệ lợi ích cho ngành mình.

Vì thế, việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là rất cần thiết.

Quá trình xây dựng dự thảo này, chắc chắn sẽ có những quy định rõ ràng, cụ thể để “chỉ mặt, gọi tên” những hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. Nếu có những quy định cụ thể, rõ ràng ở từng khâu, có cơ chế giám sát chặt chẽ thì chắc chắn người thực hiện không dám, không thể lợi dụng tiêu cực, nhóm lợi ích cũng khó có thể tác động, chi phối.

Tiếp đến là cần gắn trách nhiệm đối với những người tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Từ đó tránh hiện tượng tốt thì nhận vào mình, có vấn đề gì thì đẩy cho tập thể.

Cũng cần gắn trách nhiệm với những cơ quan, những cá nhân có nhiệm vụ đánh giá, quyết định, thông qua các chính sách, pháp luật. Để từ đó loại bỏ hiện tượng “vận động hành lang”, lợi dụng quyền “thông qua” để trục lợi, giúp sức cho các nhóm lợi ích có được chính sách theo ý muốn.

P. Đô (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.