Người dân ở nhiều vùng nông thôn Hải Dương phải đi xin từng can nước về phục vụ sinh hoạt

Người dân ở nhiều vùng nông thôn Hải Dương phải đi xin từng can nước về phục vụ sinh hoạt

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương

Sau trận càn quét của cơn bão số 3 lịch sử (bão Yagi), tỉnh Hải Dương ghi nhận thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều địa phương hiện vẫn sống trong cảnh "3 không”.

09/09/2024, 14:41

Ông xin nước, bà nhờ điện

Ngày 9/9, ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù bão số 3 (Yagi) đã càn quét được hơn 1 ngày, nhưng tổn thất để lại trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn rất lớn.

Trên các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ tới các đường ngang, ngõ dọc, cây cối đổ ngã vẫn ngổn ngang, nhiều mái nhà tôn, cửa kính hư hỏng; la liệt các biển quảng cáo gãy tả tơi chưa được người dân thu dọn tiềm ẩn nguy hiểm.

Suốt 2 ngày nay, Hải Dương đã huy động toàn bộ lực lượng từ quân đội, công an, điện lực, đến quần chúng nhân dân… xuyên ngày đêm khắc phục hậu quả sau cơn bão như cắt tỉa cây cối, sửa chữa hệ thống điện, cáp quang…

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 1.

Nhiều vùng nông thôn ở Hải Dương vẫn trong tình trạng "3 không" sau bão, người dân phải đi xin từng can nước về phục vụ sinh hoạt.

Đến thời điểm này, nhiều vùng nông thôn ở Hải Dương vẫn rơi vào cảnh mất điện trên diện rộng. Người dân phải sống trong cảnh "3 không”, không điện; không nước; không sóng điện thoại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Đãn (66 tuổi, trú tại xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc) cho biết, từ trước khi cơn bão ập tới, toàn khu vực xã nhà tôi đã bị cắt điện, cùng với đó là không có nguồn nước sinh hoạt để sử dụng.

“Sau khi bão đi qua, hầu như nhà nào cũng có thiệt hại về tài sản, cây cối đổ ngã, mái tôn bị gió lốc bay sạch. Từ qua tới giờ, vợ chồng tôi cứ thay phiên nhau sang hàng xóm xin nước mưa về sử dụng vì gia đình không còn bồn chứa nước, gió cuốn mất rồi còn đâu”, ông Đãn chia sẻ.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 2.

Cảnh đèn dầu như thời bao cấp tại một hộ gia đình ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

“Do không có sóng điện thoại, không thể liên lạc với người thân trong cơn bão là điều không thể tưởng tượng nổi. Không những thế, để có chút ánh sáng phòng trừ bất trắc về đêm, vợ tôi phải chạy khắp nơi nhờ những xưởng cơ khí có máy phát điện để sạc nhờ đèn pin. Buổi tối thì dùng đèn dầu như thời bao cấp”, anh Nguyễn Văn Phương (trú tại xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc) lắc đầu ngán ngẩm.

Cũng theo ghi nhận của PV, không chỉ riêng ở huyện Gia Lộc, cơn bão số 3 ập đến khiến người thành phố cũng rơi vào hoàn cảnh chưa từng có, cảnh mất điện, mất nước hiện diện khắp các khu phố.

Sau khi trở về từ điểm sơ tán của thành phố sau cơn bão, bà Nguyễn Thị Lan (82 tuổi, sống tại tòa nhà B2, khu tập thể Bình Minh, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho hay, quá nửa cuộc đời sống trong khu tập thể mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng, tôi chưa bao giờ thấy trận bão kinh khủng như vậy. 

Trở về căn phòng bừa bộn vữa từ trần nhà rơi xuống, cửa sổ bị đập tan tành, tôi cảm thấy rất may mắn khi bản thân và mọi người đều đã an toàn khi trước đó được thành phố sơ tán kịp thời.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lan bùi ngùi nhớ lại cảnh đi sơ tán khi cơn bão số 3 ập tới.

Chính phủ hỗ trợ 30 tỷ đồng cho Hải Dương sau bão số 3

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, bão số 3 đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông.

Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa bị đổ, khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát, hơn 600ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Nhiều mái nhà tôn, mái phi-brô-xi-măng, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng. Nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc giao thông.

Toàn tỉnh có 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện diện rộng. Do đứt cáp quang, một số trạm BTS bị đổ nên hệ thống viễn thông bị gián đoạn, gây mất liên lạc.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 4.

Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3.

Sau bão, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai một số biện pháp khắc phục hậu quả như khơi thông các tuyến đường giao thông bị ách tắc do cây đổ; kiểm tra, khắc phục sự cố tại các trường học bị thiệt hại, khôi phục hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt

Chiều ngày 8/9, đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Lê Thành Long làm trưởng đoàn đã kiểm tra, động viên và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Hải Dương.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 5.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thăm, tặng quà động viên trường THCS Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc sớm khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Tại xã Phạm Trấn thuộc huyện Gia Lộc, Phó thủ tướng đã tới thăm, động viên và chia sẻ với nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức. Đây là nơi đang có diện tích trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại nặng do bão số 3.

Phó thủ tướng biểu dương, ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống bão. Để chia sẻ, chung sức cùng người dân Hải Dương vượt qua khó khăn, ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.

Chia sẻ với những thiệt hại của bà con, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã quyết định dành 30 tỷ đồng hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương khắc phục hậu quả bão số 3.

Kinh phí này sẽ gửi về tỉnh, tỉnh Hải Dương căn cứ thực tế thiệt hại của người dân để bố trí hỗ trợ, chia sẻ, động viên bà con nhân dân.

Phát lệnh báo động I trên hệ thống sông Thái Bình

Sáng 9/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát công điện về việc phát lệnh báo động I trên hệ thống sông Thái Bình từ 10h ngày 9/9.

Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương tại tin cảnh báo lũ trên các sông tỉnh Hải Dương lúc 9h ngày 9/9, do ảnh hưởng của bão số 3, thượng nguồn và trên địa bàn tỉnh những ngày qua có mưa to đến rất to, trên diện rộng nên lũ trên hệ thống sông Thái Bình đang lên nhanh, mực nước đo được lúc 9h ngày 9/9 tại các trạm thủy văn như sau: tại Bến Bình (K8+920 tả sông Kinh Thầy) mực nước thực đo 2,74m, vượt báo động 1 là 0,24m, tại Bá Nha (K1+750, hữu sông Gùa) là 2,4m, vượt báo động 1 là 0,4 m, các trạm còn lại gồm An Phụ (K11+850 tả sông Kinh Môn), Phả Lại (K0+450 tả sông Thái Bình), Cát Khê (K6+804 tả sông Thái Bình), Phú Lương (K21+725, hữu sông Thái Bình, La Tiến (sông Luộc) mực nước đều dâng cao, có nơi xấp xỉ báo động 1.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 6.

Cảnh tượng thất thần của người dân ở TP Hải Dương sau khi cơn bão số 3 đi qua.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành triển khai lực lượng, thực hiện tuần tra canh gác đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.

Cảnh không điện, không nước và không sóng điện thoại hậu bão số 3 Yagi ở Hải Dương- Ảnh 7.

Đến trưa 9/9, Công ty Điện lực Hải Dương vẫn đang huy động 100% nhân lực để khắc phục sự cố về đường điện, đảm bảo cung ứng điện sớm nhất có thể cho người dân.

Kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê. Thực hiện nghiêm quy định về đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ. Các cống còn có nhu cầu tiêu úng ngập thì phải thường trực tại cống 24/24h, đóng kín ngay khi mực nước sông lớn hơn trong đồng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến hư hỏng của các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các trọng điểm xung yếu về đê điều, đặc biệt là các cống qua đê, rà soát công tác chuẩn vị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ, khi cần huy động được ngay.

Thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ các bến bãi ở bãi sông và phương tiện đi trên đê, kiểm tra, thực hiện ngay việc di chuyển phương tiện sản xuất, thanh thải các vật cản lũ ở bãi sông chưa thực hiện theo quy định. Tiếp tục thực hiện các nội dung các Công điện số 05, 06, 07 , 08 của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc ứng phó với bão số 3. Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban và báo cáo theo quy định.

Theo thông tin từ Công ty MTV Điện lực Hải Dương cho biết, đến 10h30 ngày 9/9, đơn vị vẫn đang bố trí 100% nhân lực và các đơn vị B cùng tham gia khắc phục sự cố.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 33/154 đường dây trung áp đang mất điện.

Với điều kiện thời tiết và nhân lực hiện tại, trong ngày 9/9 đơn vị sẽ khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện cho các hệ thống chính, nhất là cấp điện cho 166 trạm bơm tiêu bị mất điện và cố gắng tối đa để cấp điện sinh hoạt cho hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.