Ở Gia Lai 3 năm trước, ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo.
Ngoài những vi phạm trong quá trình điều hành lãnh đạo chỉ đạo trên cương vị được giao, ông Dũng đã thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các vị trí lãnh đạo. Đến mức sau đó, UBND tỉnh đã phải cho thôi việc, cách chức 3 người thân của ông Dũng. Trong đó, con trai nguyên Chủ tịch bị cách chức Chánh thanh tra Sở Nội vụ.
Cũng trong giai đoạn này, ông Bùi Viết Hội, Bí thư Huyện uỷ Chư Prông, tỉnh Gia Lai cũng từng bị báo chí phanh phui việc có 4 người thân đang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại huyện. Trong đó có trường hợp con gái thăng tiến thần tốc. Nhân vật này sau đó cũng buộc phải điều chuyển, cho thôi chức Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng của huyện.
Các vụ việc trên đã gây ồn ào dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, bộ mặt cơ quan công quyền tỉnh Gia Lai. Tưởng chừng như lãnh đạo các cấp tại tỉnh này phải lấy đó làm bài học sâu sắc và thực hiện nghiêm hơn trong công tác nhân sự tại địa phương.
Tuy nhiên, mới đây, việc bổ nhiệm hàng loạt nhân sự có dấu hiệu sai quy định tại Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ, TBXH) tỉnh Gia Lai lại trở thành điểm nóng trên báo chí.
Giám đốc Sở này là bà Trần Thị Hoài Thanh trong thời gian sắp nghỉ hưu đã quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp dưới. 3 trong số 5 quyết định nhân sự cán bộ do bà Thanh ký, uỷ quyền ký đã bị Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai “tuýt còi” vì thực hiện tiếp nhận, điều động công chức, viên chức vào, ra khỏi biên chế hành chính và ngược lại từ biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) vào biên chế hành chính là trái với quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của tỉnh.
Chuyện về nhân sự ở Sở LĐ, TB&XH tỉnh Gia Lai xảy ra trong bối cảnh hoàng hôn nhiệm kỳ của nữ giám đốc Sở và tiệm cận thời gian tổ chức đại hội Đảng các cấp. Trong đó, công tác nhân sự chủ chốt để bầu cử ở các đơn vị luôn là một trong những điểm nhạy cảm khiến dư luận quan tâm.
Việc có hay không tiêu cực, vun vén cá nhân đang được làm rõ. Tuy nhiên, qua sự việc cho thấy Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Gia Lai có dấu hiệu vi phạm cơ chế kiểm soát quyền lực trong Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Thật đáng tiếc, khi những cán bộ thay vì chọn người hiền tài để bổ nhiệm, thì lại nghĩ đến “đàn em”, “con cháu” hay sắp đặt vị trí để tạo phe nhóm trong cơ quan. Những vị trí quyền lực nếu rơi vào tay những kẻ cơ hội sẽ là mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến đại cuộc…
Thiết nghĩ, việc xử lý bổ nhiệm sai cán bộ lãnh đạo cần phải được phát hiện sớm và loại bỏ ngay từ những bước đầu về công tác nhân sự. Quan trọng hơn hết là sự minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ và được giám sát chặt chẽ từ các cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận