Ngày 27/9/2023, từ nguồn tin độc quyền, Báo Giao thông đã phát hiện việc ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ doanh nghiệp xăng dầu trái quy định từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại tài khoản mang tên Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Vụ việc trên cho thấy của ngân hàng này có dấu hiệu vi phạm hoạt động sử dụng Quỹ cũng như những lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: BIDV Long Biên cấn nợ doanh nghiệp 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu
Bài 2: BIDV Long Biên chưa trả lại khoản tiền 270 tỷ cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu
Bài 3: Đại biểu Quốc hội: "Đặt Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp là rất khó hiểu"
Bài 4: "Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"
Tuy là loại quỹ không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước nhưng bản chất của nó là một loại quỹ tài chính quốc gia, do người tiêu dùng xăng dầu đóng góp, Nhà nước cho phép đặt tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước trực tiếp quản lý điều hành.
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối không được sử dụng quỹ này vào các mục đích khác. Nhưng thời gian qua, nhiều vấn đề liên quan đến quản lý quỹ đã xảy ra, gây nguy cơ thất thoát, bị chiếm dụng, khó thu hồi.
Xuyên Việt Oil om hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ, nhưng khi lãnh đạo bị bắt thì vấn đề này mới được phát hiện. Năm 2022, Bộ Công thương cũng đã đòi Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, (TP.HCM), Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú (Bình Thuận) nộp hàng chục tỷ đồng số dư quỹ vào ngân sách Nhà nước nhưng không được.
Còn Công ty Bách Khoa Việt cũng chỉ mới trích lập một phần quỹ, số còn tiền còn lại công ty này đã chiếm đoạt.
Mới đây nhất là câu chuyện rất nóng được Báo Giao thông phản ánh. Đó là việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cho biết, khoản tiền gần 270 tỷ đồng Quỹ Bình ổn xăng dầu đã bị Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Long Biên cấn trừ nợ và vẫn chưa trả lại.
Rồi Bộ Tài chính đã phát hiện 6 doanh nghiệp đầu mối vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định theo Nghị định 95, không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ…
Những dẫn chứng kể trên cho thấy vi phạm trong quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu không phải là chuyện đơn lẻ, mà diễn ra trên diện rộng ở các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu do tư nhân sở hữu. Điều này đặt ra vấn đề phải có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả hơn.
Trước hết, Chính phủ cần giao việc quản lý, điều hành, giám sát quỹ thống nhất một đầu mối là Bộ Công thương (vì hiện tại Bộ này đang được giao điều hành giá, trích lập, sử dụng quỹ). Thương nhân xăng dầu đầu mối chỉ mở tài khoản quỹ ở một ngân hàng thương mại do doanh nghiệp lựa chọn.
Chính phủ cũng cần giao Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối đăng ký mở tài khoản. Ngân hàng có trách nhiệm mở tài khoản Quỹ Bình ổn xăng dầu cho thương nhân đầu mối; thực hiện phong tỏa tài khoản này ngay khi có số dư trích lập quỹ trên tài khoản – tức là chỉ đón nhận tiền quỹ chuyển vào, không cho rút tiền từ tài khoản.
Tiền từ quỹ chỉ được chi ra khi có lệnh chi quỹ bình ổn của Bộ Công thương nhằm ngăn chặn việc thương nhân đầu mối rút chi sai mục đích, đặc biệt là vào thời gian giữa hai đợt báo cáo về quỹ và giữa hai kỳ kiểm tra của Bộ Công thương.
Ngoài ra, cũng cần nghiêm cấm các ngân hàng thương mại lấy tiền từ tài khoản Quỹ Bình ổn xăng dầu cho các nghĩa vụ tài chính khác.
Thứ hai, về giám sát quỹ, cần kết hợp cả hình thức giám sát gián tiếp và trực tiếp.
Đối với hình thức gián tiếp, định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối phải báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình thực hiện quỹ của tháng trước liền kề; báo kết quả thực hiện từng kỳ điều hành thu chi của quỹ.
Đối với hình thức trực tiếp, Bộ Công thương cần áp dụng công nghệ kết nối thông tin về quỹ với các thương nhân đầu mối và với ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản để kiểm soát di biến động của dòng tiền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận