Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi trình Quốc hội lần này liệu có lấp được các lỗ hổng, bất cập đã và đang diễn ra trong thực tế? Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT - cơ quan soạn thảo xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT
Ách tắc do cố tình trì hoãn, kéo dài
Lâu nay mỗi khi nói đến đầu tư công, đấu thầu lúc nào cũng có lý do là thủ tục kéo dài, thậm chí ách tắc, rồi nói là do luật, khiến việc đấu thầu kéo dài, khó thực hiện. Vậy, ông có thể chỉ rõ nội dung nào ách tắc, phức tạp, làm cho đấu thầu kéo dài?
Theo khảo sát trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thời gian trung bình thực tế từ khi thông báo mời thầu đến khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đã được rút ngắn đáng kể (đấu thầu rộng rãi 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ là 32 ngày, 2 túi hồ sơ là 48 ngày).
Đối chiếu với quy định về thời gian trong đấu thầu theo Báo cáo đánh giá của WB thì thời gian tổ chức đấu thầu tại Việt Nam là ngang bằng, thậm chí ngắn hơn so với nhiều nước (Mỹ, Hàn Quốc: 100 ngày; Trung Quốc, Úc: 80 ngày).
Hiện nay, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới đã được vận hành (từ tháng 9/2022). Tất cả các loại gói thầu (trừ gói thầu hỗn hợp) đều có thể thực hiện đấu thầu qua mạng với thời gian rút ngắn hơn so với đấu thầu truyền thống.
Thông qua công tác kiểm tra, tổng hợp báo cáo hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc trong nhiều năm qua, Bộ KH&ĐT nhận thấy, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu với thời gian ngắn hơn mức tối đa mà Luật Đấu thầu 2013 cho phép rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng có một thực tiễn là đôi khi thời gian trong lựa chọn nhà thầu bị chủ đầu tư cố tình trì hoãn, kéo dài. Ví dụ như, việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong nhiều trường hợp có thể chỉ vài ba ngày, nhưng vì nhiều lý do, chủ đầu tư chần chừ kéo dài để tìm cách “sắp xếp”, xử lý.
Cũng có trường hợp, một số cán bộ có nhiệm vụ ngại trách nhiệm hoặc không đủ năng lực nên không dám quyết định, đùn đẩy lên cấp trên, chuyển qua chuyển lại cho cấp dưới, dẫn đến kéo dài thời gian, ách tắc...
Có thể nói chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu còn có nguyên nhân do năng lực và ý muốn chủ quan, tính chuyên nghiệp và ý thức tuân thủ luật pháp của người thực thi, không hoàn toàn do quy định của pháp luật về đấu thầu.
Từ thực tế đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung thế nào, thưa ông?
Về thời gian trong đấu thầu, dự thảo Luật chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu; đối với thời gian thực hiện các công việc khác (như thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...), người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu được tự xác định trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của từng dự án, gói thầu cụ thể.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã tối đa hóa việc thực hiện các thủ tục đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Về thủ tục, dự thảo Luật cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian. Thay vào đó, người có thẩm quyền, chủ đầu tư chỉ phê duyệt 3 nội dung, gồm: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn.
Tôi cho rằng, dù thủ tục, quy trình, thời gian có được rút ngắn, cắt giảm, thì tổ chức thực hiện vẫn là yếu tố quan trọng, nhất là trong bối cảnh công tác quản lý hoạt động đấu thầu đã phân cấp rất mạnh cho chủ đầu tư.
Thông thầu vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi
Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội được Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm trong công tác đấu thầu. Ảnh: Tạ Hải
Thực tế, tình trạng quân xanh, quân đỏ vẫn là mảng tối trong công tác đấu thầu, tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh để kiếm lời bất chính. Cơ quan soạn thảo đã lường trước được việc này chưa và giải pháp ngăn việc thông thầu, tham nhũng tiêu cực trong đấu thầu là gì, thưa ông?
Thực tiễn quá trình tổ chức thi hành Luật trong thời gian qua đã cho thấy, các hành vi vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi như: Dàn xếp, thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, không công khai thông tin trong đấu thầu, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu…
Bên cạnh các nguyên nhân phát sinh từ quá trình thi hành Luật nêu trên thì một số quy định của Luật Đấu thầu còn chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến bị lợi dụng (như quy định về công khai, kết nối, chia sẻ thông tin; quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu; các hành vi bị cấm trong đấu thầu…).
Như ông nói thì các vấn đề đã được nhận diện, vậy sửa luật lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung những nội dung nào nhằm ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu?
Nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thông thầu, gian lận… nhiều quy định của dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng:
Một là, bổ sung, hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Hai là, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, coi đây là biện pháp giúp công khai, minh bạch tối đa, từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi.
Ba là, yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng (trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình) phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp và hình thức tự thực hiện nhằm hạn chế tình trạng áp giá cao trong mua sắm trực tiếp.
Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu.
Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả áp dụng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong đấu thầu theo hướng bổ sung các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế, đồng thời tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền; Bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu cũng là vấn đề nhức nhối. Dự thảo lần này có đưa ra giải pháp nào hay không?
Luật Đấu thầu đã có quy định về giá gói thầu. Trong mỗi lĩnh vực, việc xác định giá gói thầu, công tác thẩm định giá còn phụ thuộc pháp luật về giá và pháp luật chuyên ngành.
Việc thổi giá, nâng khống giá là hành vi vi phạm quy định trong thực hiện mua sắm, đấu thầu, cố tình thông đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với quy trình đấu thầu, như trên đã phân tích, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đấu thầu.
Đồng thời, chúng tôi cũng cho rằng vai trò giám sát của Quốc hội, ĐBQH tại địa phương, nhân dân, các cơ quan truyền thông… là rất quan trọng.
Ngoài ra, để xử lý căn cơ, triệt để việc nâng khống giá, không riêng gì sửa Luật Đấu thầu mà còn có các luật khác liên quan, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm xử lý các vướng mắc. Đơn cử như Luật Giá. Luật này cũng đang sửa đổi cùng với Luật Đấu thầu. Do đó, cũng cần nghiên cứu việc sửa đổi ở Luật này làm sao cho phù hợp...
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận