Công tác khắc phục tuyến đường sắt sau cơn bão số 12 đã bước sang giai đoạn 2, tuy nhiên, các đơn vị của ngành đường sắt cho biết đang thiếu vốn. |
Trong đợt bão lũ vừa qua, tuyến đường sắt đi qua tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ông Nguyễn Như Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, tổng kinh phí thiệt hại vào khoảng gần 120 tỷ đồng, trong đó về cầu đường 68,5 tỷ đồng do sạt trượt từ nón cầu, mái ta luy, xói trôi nền đá tại 15 vị trí với khoảng 7.880m3 đất đá, hơn 10.000 cây đổ vào đường sắt và hệ thống tin tín hiệu là khoảng 42,6 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng đường sắt như hệ thống nhà ga, trạm gác chắn bị tốc mái, sập.
“Đơn vị đang phải vay tiền để tổ chức thi công trong thời gian qua. Giai đoạn tiếp theo đang không biết lấy nguồn đâu ra”, ông Bình bày tỏ.
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần đường sắt Việt Nam cho biết, bão số 12 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chạy tàu, phục vụ khách hàng và đảm bảo an toàn. Sau bão bộc lộ rất rõ kết cấu đường sắt đã quá già nua; nhiều điểm sóc, lắc mạnh. Để đảm bảo an toàn chạy tàu, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã chủ động huy động nguồn lực tài chính để thực hiện thi công. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang “khát vốn” để tiếp tục khắc phục.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nghe các đơn vị ngành đường sắt báo cáo thiệt hại cũng như công tác khắc phục sau cơn bão số 12. |
“Nguồn kinh phí dự phòng khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai năm 2017 được phân bổ cho Tổng công ty là 22 tỷ, trong đó trả nợ khắc phục năm 2016 là 10,75 tỷ đồng nên nguồn dự phòng chỉ có 11,25 tỷ đồng. Trong khi tổng thiệt hại từ đầu năm do bão lũ đến giờ đã vào khoảng 230 tỷ đồng. Tổng công ty và các đơn vị thành viên đang thiếu vốn trầm trọng”, ông Tùng cho biết.
Trên cơ sở đó, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ nguồn vốn khắc phục bão lũ của Trung ương, đồng thời cũng xin Bộ cho chủ trương sửa chữa các nhà gác chắn bảo đảm nơi ở cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Ghi nhận những nỗ lực toàn ngành đường sắt đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả của cơn bão số 12, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị cần tiếp tục triển khai các công tác, sớm đưa hoạt động chạy tàu trở lại bình thường. Về vốn, sẽ ưu tiên đối với việc khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra.
“Sau cơn bão này, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cần xây dựng một đơn vị chuyên môn để chủ động, kịp thời ứng phó trong công tác phòng chống và khắc phục bão lũ, không để bị động bất ngờ. Đồng thời cũng cần chủ động hơn trong việc huy động lực lượng tại chỗ”, Thứ trưởng yêu cầu.
Trước đó, trong ngày 15/11, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp kiểm tra các vị trí sạt lở, sụt trượt tại Đèo Cả. |
Liên quan đến việc khắc phục giai đoạn 2 các điểm sụt trượt tại Km 1226+780 – Km1226+825, gian khu gian Hảo Sơn – Đại Lãnh (Đèo Cả), đại điện đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất xây tường chắn chiều dài khoảng 50m, khoan cấy thép giữ chân tường rọ đá. Đồng thời phun vữa giữ rọ đá tránh o-xi hóa, bảo đảm kết cấu.
Về vấn đề này, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương khoan điều tra địa chất, cùng với đó, cần làm rọ đá có vỏ bọc bên ngoài để bảo đảm không bị hư hỏng do thời tiết. Đối với việc tổ chức thi công, giữ nguyên các thanh chống như bước 1, đổ bê tông thành khối giữ chân chống trượt. Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ phương án cắt nước chảy từ trên núi xuống, tránh gây sạt, trượt lần nữa.
“Phương án phải đảm bảo tính bền vững lâu dài, an toàn trong thi công và chạy tàu”, Thứ trưởng nhấn mạnh
Trước đó, trong ngày 15/11, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp kiểm tra các vị trí sạt lở, sụt trượt tại Đèo Cả, gặp gỡ và động viên cán bộ, công nhân ngành đường sắt đang thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận