Bão lũ khiến giao thông chịu nhiều tổn thất |
Hạ tầng giao thông thường chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Do vậy, việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại là rất cấp thiết.
Giao thông thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do thiên tai
Trong năm 2015, số lượng cơn bão ít hơn các năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino, hiện tượng thời tiết cực đoan, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường. Trên biển Đông đã xuất hiện 4 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết cả nước. Ngoài ra, xảy ra 6 đợt nắng nóng trên diện rộng. Cùng đó là các đợt mưa lớn lịch sử tại Bắc bộ gây lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại nhiều về người và tài sản. Đặc biệt, từ ngày 25/7 - 5/8/2015, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt mưa với cường độ lớn, thời gian kéo dài (mưa lịch sử), gây lũ, ngập lụt nhiều địa bàn như: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn...
Theo ông Nguyễn Hoàng Huyến, Phó trưởng ban thường trực - Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ GTVT, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cơ sở hạ tầng trong toàn ngành GTVT năm 2015 khoảng 550 tỷ đồng.
Là lĩnh vực thường chịu ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ, đường bộ chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, bão lũ gây thiệt hại trên nhiều tuyến quốc lộ trong năm 2015. Mưa lũ làm sạt lở hơn 7,6 triệu m3 ta luy dương; 7.800m3 ta luy âm; làm đứt 67m đường; hư hỏng hơn 332 nghìn m2 mặt đường, 12 cây cầu; 35 cống, 14.200m rãnh dài; 4.500m hộ lan. Kinh phí khắc phục bước 1 trên hệ thống quốc lộ năm 2015 lên đến 337 tỷ đồng.
Về lĩnh vực đường sắt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đới Sỹ Hưng cho biết, do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn kéo dài, kết cấu hạ tầng đường sắt có nhiều vị trí bị hư hỏng như nước ngập ray, xói trôi nền đá, sạt lở mái ta luy, đất đá lấp lên đường sắt, hỏng thiết bị thông tin tín hiệu… phải phong tỏa để sửa chữa, khắc phục, ảnh hưởng chậm tàu. Đường sắt thiệt hại hơn 4,2 tỷ đồng về kết cấu hạ tầng và 106 triệu đồng chi phí sửa chữa tường rào ga do thiên tai. Tuy nhiên, theo ông Hưng, con số thiệt hại này đã giảm nhiều so với các năm trước.
6 tháng đầu năm 2016, báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tuy thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục với 2 đợt áp thấp nhiệt đới; Rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ trong các ngày 23-28/1; Hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ; Mưa lớn, giông lốc cục bộ xảy ra ở các địa phương… Hạn hán, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, lốc, sét… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên diện rộng. Trong đó, về hạ tầng giao thông, bị sạt lở khoảng 60m3 quốc lộ, tỉnh lộ và hơn 16 nghìn m3 đường giao thông nông thôn
Chủ động phòng tránh
“Qua chỉ đạo thực tế cho thấy, để phòng chống khắc phục thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra có hiệu quả cần thực hiện phương châm “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Trong đó phòng, tránh là chính nên thiệt hại đã có phần được giảm nhẹ”, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ GTVT Nguyễn Hoàng Huyến nhấn mạnh và cho rằng, chủ động phòng, tránh vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng chống thiên tai.
Theo ông Huyến, để khắc phục khó khăn, chủ động phòng, tránh, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại, trong năm 2016, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN sẽ tiếp tục tổ chức và đôn đốc triển khai “Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” của ngành GTVT, đặc biệt là lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, hoàn thiện, kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy các cấp; phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thảm họa thiên tai.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, khi xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch phòng, chống cụ thể, sát nhất với thực tế nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do lụt bão gây ra và khắc phục thiệt hại trong thời gian nhanh nhất.
Còn theo ông Đới Sỹ Hưng, bài học kinh nghiệm cho thấy, phải chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão, ứng phó sự cố thiên tai cụ thể, chi tiết theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với tính chất, nhiệm vụ SXKD của từng đơn vị. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo chặt chẽ việc gia cố các công trình trước mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện ổn định với mọi tình huống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận