Xã hội

Ngất ngây điệu xòe Thái núi rừng ngày Xuân

25/01/2023, 18:30

Tết năm nay, điệu xòe khiến người ta ngất ngây hơn, khi vừa được UNESCO vinh danh.

Trong tiếng Thái, xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống.

Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Và Tết năm nay, điệu xòe khiến người ta ngất ngây hơn, khi vừa được UNESCO vinh danh.

Tự hào xòe Thái

img

Nghệ nhân Lò Văn Biến (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) hàng ngày vẫn truyền dạy văn hóa Thái nhất là các điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ

Chưa có Xuân nào niềm vui lại trọn vẹn như Xuân này đối với nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến (ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).

Năm nay hơn 90 tuổi, ông được ví như “pho sử sống” của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ, Mường Lò. Ông là người có nhiều cống hiến sưu tầm, bảo tồn 6 điệu xòe cổ trên vùng đất Mường Lò.

Ông cũng là người đóng góp nhiều tư liệu góp phần hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ nhân Lò Văn Biến vẫn nhớ như in giây phút mình vinh dự cùng đoàn lãnh đạo tỉnh, thị xã có mặt tại điểm cầu trực tuyến ở Hà Nội tham dự kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Thủ đô Paris (Pháp).

img

Thiếu nữ Thái Mường Lò, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái trong những điệu xòe ngày Xuân Ảnh: Thanh Miền

“Giây phút đó, ai cũng hồi hộp đến ngẹt thở. Đó không chỉ là công lao, thành quả được ghi nhận mà còn là ý thức, trách nhiệm cao hơn của các cấp, các ngành, của mỗi người con dân tộc Thái như chúng tôi. Bởi vậy, đón Xuân mới, bản thân cũng bước sang tuổi 90, nhưng ngày nào còn sức thì ngày ấy tôi sẽ còn góp sức mình vào việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này”, ông Biến chia sẻ.

Không ai biết nguồn gốc của điệu xòe cổ có từ đâu, nhưng nó đã hiện diện trong cuộc sống của bao thế hệ đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái) thường tập trung tại các nhà văn hóa của thôn bản để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Xuân mới.

Bất kể là ai, dù già hay trẻ đều có thể đánh trống, chiêng, gõ tằng pẳng, thổi khèn để thôi thúc, mời gọi mọi người cùng bước vào các hoạt động ngày hội, trong đó không thể thiếu các điệu xòe.

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, đã là người con dân tộc Thái, ai cũng có thể xòe được 6 điệu xòe cổ, song điệu xòe phổ biến nhất trong dịp Tết và lễ hội là xòe vòng.

Đây là điệu xòe cổ nhất, bởi sự đơn giản trong bước vũ: Mọi người nắm tay nhau tiến lùi theo nhịp trống 2/4, khi tiến tay vung ngang tầm vai, khi lùi tay buông thẳng, nhẹ nhàng dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ. Xòe vòng không cần luyện tập, không giới hạn số người tham gia và có thể xếp thành nhiều vòng tròn đồng tâm.

Xòe vòng có ý nghĩa thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, chuyên chở khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong sự vận động không ngừng của đất trời, vạn vật.

Những vòng xòe của mùa Xuân

img

Niềm vui trong những điệu xòe của đồng bào Thái

Ai đã một lần đến Tây Bắc cùng với các cô gái Thái hòa mình vào những nhịp trống, bước chân rộn ràng của những điệu xòe, thưởng thức hơi rượu nồng ấm, cay cay và để nghe câu hát “Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về theo”. Đây cũng chính là những hình ảnh giới thiệu về tình đoàn kết, gắn bó, chân thành và cởi mở của người dân Tây Bắc.

Bà Điêu Thị Siêng (ở tổ Pá Kết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Múa xòe của người Thái, mỗi điệu đều mang ý nghĩa khác nhau, trồng bông, dệt vải, mừng nhà mới, lao động sản xuất và mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp khác nữa”.

Nghệ nhân Vàng Thị Lướt, ở đội 4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là người dân tộc Thái trắng, có nhiều năm say mê, tìm tòi, phục dựng nghệ thuật xòe cổ. Bà lớn lên từ tiếng trống, tiếng nhạc, từ những điệu xòe rộn rã ở mảnh đất Chăn Nưa, Mường Lay cũ (nay thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

Bà Lướt bồi hồi kể lại: “Từ khi tôi còn bé, thấy người lớn múa thế nào thì mình cầm tay múa theo. Từng động tác như thấm vào máu, rồi cứ tự động mà múa chơi. Các cụ ngày xưa cũng vậy, làm gì có ai dạy, chỉ cầm tay nhau đi theo nhịp trống thành vòng tròn... Bản tôi hồi ấy đông người lắm, cứ đến Tết là tấp nập, vui tưng bừng. Tất cả cùng nắm tay chúc nhau một năm mới tốt đẹp, bình an, vượt qua mọi khó khăn”.

Nghệ nhân Lò Thị Đối, bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được các mẹ, các chị dạy cho múa xòe, khi bản làng hay gia đình có chuyện vui, hội hè, mọi người đều được múa xòe”.

Theo nghệ nhân Đối, xòe đã thực sự trở thành cơm ăn, áo mặc, nước uống hàng ngày; không chỉ trong những ngày lễ Tết mà trong những ngày vui thường ngày của thôn bản, của mỗi gia đình.

Và mỗi dịp Tết đến Xuân về, du khách khi ghé thăm các bản người Thái, không nơi nào là không nghe thấy những câu hát quen thuộc văng vẳng bên tai: “Không xòe không vui/ Không xòe lúa không tốt/ Không xòe cây ngô nghẹn bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi”…

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có 3 loại hình xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn.

Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Trung tâm của xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và TP Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.