Tổng cục Hải quan vừa công bố cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020.
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước trong tháng 1/2020 đạt 36,62 tỷ USD, giảm tới 18,4 % so với tháng 12/2019. Trong đó, tổng trị giá XK đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% và tổng trị giá NK đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019.
Riêng với Trung Quốc, tổng trị giá XNK trong tháng 1/2020 đạt 8,29 tỷ USD, giảm sâu tới 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và NK đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Ngày 5/2, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định mở cửa khẩu thông quan hàng hoá, nông sản dồn ứ từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sau khi có văn bản cho phép của Thủ tướng và bàn bạc thống nhất với phía Trung Quốc. Cửa khẩu Hữu Nghị sẽ là cửa khẩu duy nhất thực hiện thông thương hàng hoá, nông sản đối với các đơn hàng đã có hợp đồng mua bán ngoại thương bị dồn ứ. Còn đối với xe hàng không có hợp đồng thì vẫn phải đợi đến khi các cửa khẩu, cặp chợ biên giới mở cửa chính thức. Đồng thời, việc thông quan hàng hóa vẫn phải tuân thủ nguyên tắc phòng chóng dịch nCov.
Đặc biệt, trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1 và 3/2/2020), tổng trị giá XK trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó, trong khi đó NK đạt 182,8 triệu USD/ngày, chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương cho biết, đã có Chỉ thị về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp liên quan đến cả hoạt động XNK và thị trường nội địa…
Riêng với mặt hàng nông sản, các đơn vị thuộc Bộ Công thương đã làm việc với nhiều siêu thị, hệ thống phân phối tìm phương án hỗ trợ tiêu thụ trong nước. Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng… mở rộng hệ thống tiêu thụ hàng hoá ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.
Ngoài ra, với các lô hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu phụ, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch với các lô hàng có đủ điều kiện. Khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức và khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận