Dân gian có rất nhiều điều kiêng kỵ trong "3 ngày Tết, 7 ngày xuân" để tránh mọi vận hạn trong năm mới
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là quan niệm từ xa xưa vẫn được lưu truyền tới nay, đặc biệt người dân rất lưu ý những điều kiêng kỵ ngày Tết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Thái Dũng, thành viên nhóm Văn hiến Việt cho hay: Theo đúng phong tục thì ngày Tết chính thức chỉ được tính trong vòng 3 ngày, từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Giêng. Thế nên, dân gian mới có câu: “Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân”.
Trong 3 ngày Tết và rộng hơn là trong 7 ngày đầu năm (tính đến mồng 7 hạ cây nêu kết thúc đợt đón tết) dân gian có nhiều điều kiêng kỵ.
“Người xưa quan niệm rằng trong những ngày đầu năm, nếu vô tình, vô ý để xảy ra những điều gì đó không hay như: đổ vỡ, đánh nhau, mất tiền… thì người đó, gia đình đó sẽ gặp sự không may trong suốt cả năm ấy, cái này gọi là "giông". Và để tránh bị “giông”, mọi người đều hết sức chú ý, lưu tâm sao cho không để xảy ra những gì có thể bị coi là điềm gở và từ đó có những điều phải kiêng kỵ”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, thật khó có thể thống kê hết được những kiêng kị trong ngày Tết, hay nói bao quát hơn là trong những ngày đầu năm mới.
Tuy nhiên đặc biệt kiêng kỵ mồng 1 Tết không cho lửa vì sợ làm mất vận đỏ, vận may của mình; Không la mắng, chửi bới vợ chồng, con cái để cả năm gia đình được yên ổn thuận hòa; Kiêng làm đổ vỡ, mọi thứ phải làm cẩn thận, nhẹ nhàng, gọn gẽ tránh những xung đột, đỗ vỡ trong năm mới…
Ngoài ra, trong những ngày Tết kiêng không nói điều xấu, thô tục hay nhắc đến chuyện ốm đau, chết chóc mà phải nói những chuyện vui vẻ, tốt lành.
Người xưa cũng kiêng không quét nhà đổ rác ra ngoài vì sợ rằng mất đi của cải, thần tài sẽ theo rác đi mất. Nếu có quét nhà phải quét từ phía trước nhà ra đằng sau và để gọn rác một nơi. Phải giấu kín chổi vì tin rằng nếu để mất chổi thì sang năm mới sẽ bị trộm quét sạch tài sản…
Trong thờ phụng ngày Tết thì kiêng không để đèn trên bàn thờ hết dầu hay lụi tắt.
“Trong những ngày tết phải thường xuyên đốt đèn, thắp hương nên mới có câu “hương đốt, đèn chong”, tránh để “hương tàn khói lạnh” vì ánh sáng tỏa ra tượng trưng cho hạnh phúc, tạo sự ấm cúng.
Hương đốt ngoài chức năng tẩy uế , ẩm thấp thì khói hương tạo thành cột khói bốc lên tượng trưng cho sự nối liền trời đất đồng thời biểu tượng cho sự truyền tải những lời mong muốn, cầu khấn của người trần đến được với bậc cõi trên (Trời, Phật, Thánh, Thần) và tổ tiên…”, ông Dũng lý giải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận