Xã hội

Nghệ An: Nỗi khổ của người dân xóm “vô thừa nhận”

10/06/2021, 06:57

Tự góp tiền kéo đường dây điện về dùng, tự làm đường để đi không khiến những người dân xóm Xuân Thịnh thấy khốn khổ bằng việc nhà không sổ đỏ.

img

Do hàng chục năm phải đi đường đất nên mới đây, nhiều hộ dân ở trên khu đất 7112 tự góp tiền làm đường nhựa

Hàng chục hộ dân ở xóm Xuân Thịnh, xã Nghi Đức, TP. Vinh (Nghệ An) đã làm nhà, sinh sống ổn định 30 năm nay. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn không được cấp sổ đỏ khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khi quyền lợi của họ không được thừa nhận.

Tự làm đường, tự kéo điện về dùng

Con đường nhỏ dài chừng vài trăm mét mới được rải nhựa dẫn chúng tôi đến khu dân cư mang tiếng ở “chui” mấy chục năm nay thuộc xóm Xuân Thịnh. Mấy tháng trước, con đường này vẫn là đường đất, cứ nắng là bụi, cứ mưa là bùn.

Một người dân ở đây cho biết, tất cả số tiền mua vật liệu và ngày công làm con đường này do nhiều nhà trong khu dân cư tự đóng góp, mỗi nhà 6 triệu đồng, rồi tự tổ chức thi công.

Tự góp tiền kéo đường dây điện về dùng, tự làm đường giao thông để đi lại không khiến những người dân xóm Xuân Thịnh thấy khốn khổ bằng việc nhà đất không có sổ đỏ. Bởi việc không được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ không thể mua bán, chuyển nhượng, tách thửa, việc xây sửa nhà cửa cũng chỉ có thể… làm vụng trộm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, xóm trưởng xóm Xuân Thịnh là một trong 5 người đầu tiên ra ở trên khu đất này kể, đầu năm 1991, đơn vị vận tải xăng dầu 7112 thuộc Tổng cục Hậu cần chuyển đi nơi khác để lại một khu đất trống (gọi tắt là khu đất 7112) trên địa bàn xóm Xuân Thịnh.

Một số hộ dân của xã Nghi Đức lúc đó đang thiếu đất ở nên đã đến đây xây dựng nhà. Ban đầu, chỉ có 5 hộ dân nhưng sau đó thêm hàng chục hộ khác cũng đến làm nhà ở.

“Năm 1991, khi tôi ra đây ở, tôi chưa sinh con đầu lòng, đến nay tôi đã có cháu ngoại nhưng đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Nhiều hộ muốn tách thửa cho con, thế chấp ngân hàng cũng không được”, bà Ngọc cho hay.

Ông Nguyễn Văn Triện (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghi Đức giai đoạn 1987- 1992) cho chúng tôi xem đơn xin đất ở viết tay của ông gửi UBND xã Nghi Đức năm 1992, có bút phê của chủ tịch UBND xã thời kỳ đó đồng ý cho ông Triện được ở trên khu đất 7112. Từ đó cho đến nay, đất này vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Tương tự, ông Lương Quang Hòa, có gần 200m2 đất nhưng 30 năm nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ bức xúc: “Hàng chục hộ dân ở đây hàng năm đều hoàn thành mọi khoản thuế, đóng góp quỹ.

Trong đóng góp xây dựng nông thôn mới, mọi gia đình đều đóng góp như những hộ dân trong xã nhưng đường không được làm, nhà vệ sinh cũng phải xây trộm. Nguyện vọng của chúng tôi là được cấp sổ đỏ như những hộ dân khác”.

Được biết, trước năm 2008, nhiều nhà vẫn xây dựng nhà cửa trên khu đất 7112. Năm 2008, xã Nghi Đức nhập về TP Vinh, việc quản lý xây dựng chặt hơn, nhiều hộ không xây dựng được nhà ở, phải sống trong những gian nhà tạm chật chội. Thậm chí, có hộ không xây được nhà vệ sinh nên nhiều năm phải… “đi nhờ” nhà vệ sinh hàng xóm.

Chờ phương án xử lý

Theo tìm hiểu của PV, tháng 9/2015, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định cho phép UBND xã Nghi Đức khảo sát lựa chọn địa điểm lập quy hoạch chi tiết xây dựng chia lô đất ở dân cư tại khu đất 7112, với diện tích 28.890m2, thời gian thực hiện trong trong 6 tháng.

Đến tháng 4/2018, UBND TP Vinh có thông báo giao cho UBND xã Nghi Đức rà soát trường hợp lấn chiếm, vây đất, khoanh đất xây dựng công trình từ sau ngày 1/7/2014 đến nay; tổ chức đo vẽ hiện trạng sử dụng khu đất 7112 để TP Vinh báo cáo UBND tỉnh.

Tuy nhiên, sau nhiều lần chỉ đạo, đến nay, vấn đề đất đai ở khu đất 7112 vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa có phương án giải quyết. Một người nguyên là cán bộ xã Nghi Đức cho hay, đến nay, xã mới hoàn thành việc đo đạc thực tế khu đất 7112.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nghi Đức cho biết, hiện nay, chính quyền xã cũng nhận được ý kiến của các hộ dân mong muốn sớm được cấp bìa đỏ. Hiện, UBND xã đang chờ chỉ đạo của cấp trên để thực hiện những bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vinh cho biết, nguồn gốc khu đất 7112 là đất quốc phòng nên phải xử lý tài sản công theo Nghị định 167 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Hiện, Sở TN&MT tỉnh đang trình xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để có phương án xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.