Sách

Nghề bán bông Tết

13/02/2021, 09:33

Đứng trước sông Hậu, Sang nhớ đau đáu những mùa Tết xưa. Sang đứng trước sông Hậu hít một hơi thật sâu, để gió sông ùa vào căng đầy lồng ngực...

img

Người dân bán hoa tại chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng (Ảnh minh họa)

Sang nắm tay con đứng lặng trước dòng sông mà nói rằng:

- Con thấy không, này là sông Hậu, dòng sông soi bóng mảnh đất quê mình. Trên mảnh đất này ngày xưa ông bà ngoại sinh ra mẹ, mẹ sinh ra con...

Đứa con gái nghe mẹ nói, mắt nhìn ra sông. Sang biết con gái mình chưa đủ lớn, nhưng nó đã hiểu “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi” như lời thơ mà nó được học thuở ấu thơ. Bởi vậy, hễ thấy trời đất vào xuân là đứa con gái lại nhắc mẹ “Về Cần Thơ ăn Tết”.

*

Đứng trước sông Hậu, Sang nhớ đau đáu những mùa Tết xa xưa. Sang đứng trước sông Hậu hít một hơi thật sâu, để gió sông ùa vào căng đầy lồng ngực. Thoải mái. An yên. Cái cảm giác mơn man khắp thịt da mà Sang chỉ tìm thấy khi về với sông, với Tây Đô yêu dấu.

Nhà Sang ở Phong Điền. Sau nhà có mảnh đất rộng, ba Sang cuốc đất, mẹ gieo hạt. Hoa vạn thọ, cúc đồng tiền, hướng dương… mỗi loại một luống. Hoa cao bằng gang tay thì ba trồng vào trong chậu, ngày tưới hai bận sáng chiều, chăm sóc, bón phân chẳng mấy chốc mà hoa lớn nhanh. Mẹ trông hoa kịp trổ bông vào những ngày sắp Tết. Buổi sáng, ba chất đầy chậu hoa xuống ghe, ràng dây cẩn thận. Chiếc ghe xuôi sông Hậu, lênh đênh trên sóng, sóng nước đưa gia đình Sang đi muôn phương. Hễ chỗ nào đông đúc là ba tấp ghe vào, mẹ ngồi trước mũi xởi lởi mời người đi chợ mua chậu vạn thọ, cặp cúc đồng tiền về chưng ba ngày Tết.

Nghề bán bông Tết kiếm chẳng được bao nhiêu, nhưng ba với mẹ đã sống bằng nghề này bao nhiêu năm nay. Sang cũng thích cái cảm giác được chu du trên sông đón gió xuân lồng lộng. Ngồi trong ghe, gió sông Hậu mang hương xuân man mác ùa vào khiến Sang không thể nào cưỡng lại được, Sang lại bò ra mũi ghe mà ngồi, cạnh chậu hoa vạn thọ. Sang thích thú ngắm nhìn những vạt nắng lơ lửng trên sóng, những chiếc ghe xuôi ngược trên sông Hậu chở đặc sản miền Tây, trái cây lục tỉnh, ghe nào cũng đặt chậu hoa vạn thọ trước mũi ghe cho có không khí Tết.

*

Chiều Ba mươi chập choạng. Trên sông, những chiếc ghe khác đã trở về cho kịp đón Giao thừa. Sang thấy lòng mình chông chênh như sóng. Ba không đưa cả nhà về Phong Điền đón Giao thừa được không phải vì ba nấn ná lại để bán những chậu hoa cuối cùng mà bởi vì chiếc ghe Sang đã rời bến lạ quá trễ, đường thì xa, trời tối mịt. Ba Sang đành neo lại bên bờ sông, cạnh một xóm nhỏ nào đó đón Giao thừa. Nhưng lòng Sang thì ngùi ngùi hướng về xóm mình, nơi có ngôi nhà nằm cuối con rạch nhỏ ở Phong Điền. Mẹ nói:

- Cực chẳng đã mới ăn Tết trên ghe. Thôi, ráng năm sau mình về sớm cho kịp Giao thừa cho ấm nhà ấm cửa.

Sang ngồi trước mũi ghe nhìn mớ bông còn sót lại trên ghe. Trên bờ cũng còn hơn hai mươi chậu chưa bán hết. Tính ra thì năm nay ba mẹ chỉ bán được hai phần ba số vạn thọ, cúc đồng tiền… đương độ nở rộ. Sang thoáng buồn. Ba trấn an mẹ:

- Bán thêm bữa chiều hôm nay, còn hay hết gì thì mình cũng về. Mấy năm ăn Tết trên ghe rồi còn gì.

Mẹ cười hiền để ba yên tâm. Mà lòng mẹ cũng bời bời nỗi lo bông ế. Trồng bông bán Tết cực lắm. Đôi chân ba có lúc nào được khô? Mỗi chậu bông chỉ bán được hơn hai mươi ngàn, có khi còn bị chê là đắt đỏ. Sang giận nhất là những khi thấy mẹ năn nỉ người khách lạ mua bông, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của mẹ, còn người khách cứ sấn tới mà lựa, so sánh chậu này với chậu kia chậu nào bông ít, chậu nào bông nhiều. Lựa được chậu ưng ý thì nằng nặc đòi mẹ Sang hạ giá. Có năm bán ế, ba Sang phải bỏ lại mấy chục chậu trên bờ rồi nuốt nước mắt giật máy dong ghe về cho kịp thời khắc Giao thừa.

Ngồi nhìn các ghe rời bến sông, Sang nôn nao trong lòng. Định mở miệng nói với ba hay là mình về nhà đón Tết, ba mươi rồi cũng chẳng ai mua. Nhưng Sang không nói. Sang trộm nhìn vào đôi mắt của ba. Ba đang nhìn ra sông, cả má cũng thế. Dòng sông Hậu một hướng về nhà, một hướng đổ về phía biển. Hướng nào cũng mịt mù sóng, ghe xuồng nhìn xa chỉ bé bằng bàn tay. Hướng về nhà gợi trong Sang một nỗi niềm thương nhớ.

Một người phụ nữ dẫn con đi chợ muộn đứng trên bờ nhìn xuống ghe, hỏi vống:

- Tết nhứt tới nơi rồi, về nhà đi anh chị hai ơi, về mà đón Giao thừa, khổ cả năm rồi, ngày Tết phải về sum họp cho vui nhà cửa.

Mẹ đưa chậu bông đẹp và nở đều cho người phụ nữ, đáp lại:

- Ngặt nỗi chưa bán hết bông, bỏ lại thì tiếc, mình trồng mấy tháng cực dữ lắm.

Người phụ nữ mua cặp bông vạn thọ, cặp cúc đồng tiền. Chị trả tiền. Mẹ nói ngày cuối cùng của năm nên mẹ hạ giá. Chị lắc đầu và trả mẹ giá gốc. Trước lúc đi, chị đứng trên bờ vẫy tay, cười:

- Chúc cả nhà bán đắt để còn về sớm. Chúc một năm an lành!

Rồi chị đi. Bóng chị khuất dần trong sương chiều cuối năm bảng lảng.

Tự dưng Sang thấy người quê sao hiền lành và dễ thương quá. Dường như phù sa sông Hậu đã ngấm vào tâm hồn họ. Mẹ nhìn ba, ba nhìn Sang, Sang nhìn hoàng hôn buông trên sông Hậu. Chợt ba nói kiên quyết:

- Hai mẹ con dọn bông xuống ghe, mình về thôi!

- Còn số bông…? - Mẹ ngạc nhiên hỏi.

Ba cười:

- Bán không hết thì mình mang về cho hàng xóm mỗi nhà vài chậu chưng chơi.

Chiếc ghe rời khỏi bến sông lạ, rẽ sóng về Phong Điền yêu dấu.

*

Trong căn nhà nhỏ cuối rạch rộn rã, tiếng con dao chặt thịt của mẹ băm đều đặn lên ván thớt. Mẹ đang làm thịt gà nấu mâm cơm cúng Giao thừa. Ngoài thềm nhà, mấy chậu bông vạn thọ đang hé nở hứng sương đêm. Hương vạn thọ phảng phất trong không gian. Sang ngồi bên mẹ, cảm xúc hân hoan cứ chạy dọc sống lưng...

*

Bao năm ăn Tết ở quê chồng, Sang thấy trong lòng mình thiếu thiếu một chút gì đó. Hình như là mùa xuân quê hương. Mùa xuân sông Hậu, mùa xuân của đất Tây Đô hiền lành. Sang muốn về. Sang sẽ về. Và giờ thì Sang đang đứng cùng con gái bên bờ sông Hậu, ngắm nhìn những vạt nắng xuân rơi rụng trên sông.

Những chiếc ghe bán bông, bán dưa hấu cứ dập dìu qua lại cùng chiếc loa rao hàng với giọng rao tươi rói, vang vọng.

Sáng xuân đầy nắng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.