Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện khẩn số 8544 về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Công điện này liên quan đến việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 2 nhà máy đang cung cấp 80% lượng xăng dầu cho thị trường cả nước) đang dừng tạm thời phân xưởng RFCC (phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi) để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ tại khớp nối.
Sự cố này được cho là sẽ khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của Nghi Sơn có thể bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch.
Tại công điện khẩn trên, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu, nhà máy lọc dầu Dung Quất và lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng tối đa công suất xăng dầu, sử dụng nguồn hàng dự trữ hoặc nguồn hàng khác để thay thế, bù đắp sản lượng phân giao thiếu hụt xăng dầu cho khách hàng.
Tình trạng của Nghi Sơn hiện nay có thể là khơi nguồn cho thị trường xăng dầu lập lại lịch sử chưa từng có của năm 2022 nếu không có giải pháp kịp thời...
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác được yêu cầu tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt có thể từ sự cố nói trên.
"Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 và đến hết quý I/2023. Ngoài ra thực hiện đúng tiến độ tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ phân giao năm 2023", Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Trước đó, thời điểm đầu năm 2022, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã cắt giảm 20% công suất so với sản xuất bình thường. Điều này đã bắt đầu bộc lộ việc thiếu nguồn cung ở một số thời điểm, do các đầu mối không kịp nhập hàng bù đắp.
Trong quý 2/2022, nhà máy này tiếp tục giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời gian gián đoạn không còn sản xuất. Tình trạng này khiến nguồn cung xăng dầu được đánh giá là cực kỳ căng thẳng ở thị trường phía Nam, miền Tây.
Hình ảnh các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, bán cầm chừng, người dân ùn ùn xếp hàng dài ở các cây xăng… đã tạo ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Tình hình này càng về sau càng nghiêm trọng khi lan ra cả Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.
Nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa. Trong đó cũng có nguyên nhân là chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn… Trong khi đó, hai Bộ Công thương – Tài chính thường xuyên có những tranh cãi về lý do nguồn cung đứt đoạn.
Với các giải pháp được triển khai, đến hết 2022, thị trường xăng dầu đã không còn lâm cảnh thiếu hụt. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn hiện hữu trong năm tới.
Do vậy, tình trạng của Nghi Sơn hiện nay có thể là khơi nguồn cho thị trường xăng dầu lập lại lịch sử chưa từng có của năm 2022 nếu không có giải pháp kịp thời...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận