Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) ngày 19/5/2023.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng cho các công trình nghiên cứu về khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm.
Mức thưởng hiện nay của Giải thưởng Hồ Chí Minh là 270 lần lương cơ sở, của Giải thưởng Nhà nước là 170 lần. Tuy nhiên, sau 5 tháng diễn ra lễ trao giải, hơn 100 tác giả được vinh danh chưa nhận được tiền giải thưởng.
Nguyên nhân do tiền thưởng được bố trí trong kinh phí của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương. Các cá nhân, tập thể trực thuộc cơ quan nào (hoặc địa phương nào) thì ngân sách cấp đó có trách nhiệm chi.
Theo Bộ Tài chính, hồ sơ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình danh sách tác giả nhận thưởng thuộc các hội văn học nghệ thuật đặc thù như: Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu - không có cá nhân, tập thể thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do đó không thuộc quy định giao dự toán cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chi thưởng.
Ở đây có một câu hỏi được đặt ra là, tính tới hiện tại, giải thưởng đã trải qua 6 đợt trao thưởng (tính từ năm 1996), vì sao lần này mới chậm mà 5 lần trước không chậm?
Đành rằng việc chi thưởng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng đáng ra đã phải được tính toán trước khi việc trao giải thưởng diễn ra. Vướng mắc nằm ở khâu nào, bộ, ngành liên quan phải tham mưu đề xuất, chứ không phải đợi đến khi một số tác giả và dư luận lên tiếng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu báo cáo, các bộ, ngành mới vào cuộc.
Đến ngày 14/10 vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết ứng 30,8 tỷ đồng từ ngân quỹ Nhà nước nhàn rỗi để bổ sung kinh phí cho các hội văn học nghệ thuật chi trả giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước năm 2023.
Trước đó, tại cuộc họp trưa 12/10 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết việc chậm chi trả tiền thưởng không chỉ làm cho các tác giả phiền lòng mà Thủ tướng và bản thân ông rất buồn, dư luận bức xúc.
Cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Tài chính phối hợp chưa tốt, đề xuất dự toán kinh phí chưa kịp thời, không xử lý sớm, dẫn đến việc trình Thủ tướng xem xét bị chậm, Phó thủ tướng yêu cầu hai bộ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Thật ra, đây không phải là việc quá phức tạp, khó giải quyết song có thể thấy nó đã không được xử lý rốt ráo. Để rồi giải thưởng thì đã trao cho các tác giả mà phần thưởng chưa có, làm giảm ý nghĩa ghi nhận đóng góp của các văn nghệ sĩ.
Các bộ, ngành liên quan có thể viện dẫn các quy trình thủ tục để lý giải cho sự chậm trễ của mình. Nhưng nếu thực sự vì cái chung, thấy rõ được ý nghĩa quan trọng của các công trình được trao giải, ý nghĩa của sự động viên kịp thời đối với các tác giả, có lẽ mọi việc đã không chậm trễ đến vậy.
Vì thế, không chỉ với việc trao thưởng lần này, mà đối với tất cả những việc khác, nếu vẫn cứ đổ lỗi cho quy định, quy trình thủ tục, vẫn sợ làm sai, sợ trách nhiệm thì rất khó để có được đổi mới sáng tạo.
Quy định là do con người nghĩ ra, chỗ nào không hợp lý, còn bất cập có thể sửa đổi ngay lập tức chứ không phải nhất nhất tuân theo một cách cứng nhắc, để rồi giải quyết công việc một cách trì trệ. Đó không chỉ là biểu hiện của bệnh quan liêu, mà còn là bệnh "sợ trách nhiệm", vốn được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận