Văn phòng Công ty đa cấp Thăng Long tại Bắc Ninh |
Ngày 6/4, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (đa cấp Thăng Long) đã có buổi làm việc với gia đình chị Nguyễn Thị Phương Liên, người đã làm đơn tố cáo công ty vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp.
Tại biên bản làm việc, công ty đa cấp Thăng Long đã đồng ý thanh lý hợp đồng với ông Nguyễn Mạnh Sơn (bố của chị Liên). Đáng nói, dù thừa nhận không thể mua lại hàng hóa vì đã quá hạn, song Công ty lại yêu cầu đại diện đại lý Bắc Ninh mua lại toàn bộ số hàng hóa còn gửi tại công ty của ông Sơn theo đúng giá trị đơn hàng (46 triệu đồng).
Trước đó, trả lời Báo Giao Thông, ông Vũ Đình Hùng, Phó Giám đốc Công ty đa cấp Thăng Long vẫn khẳng định: "Công ty cam kết không làm sai hợp đồng, Nghị định của Chính phủ (Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp-PV)". Mặt khác, ông Hùng còn nhấn mạnh: "Công ty và chi nhánh khẳng định không cố tình trì hoãn thời gian chấm dứt hợp đồng và trả hàng".
Vậy nếu đa cấp Thăng Long và chi nhánh (đại lý tại Bắc Ninh) hoạt động đúng quy định, thì tại sao lại có việc chấp nhận mua lại hàng hóa của nhà phân phối khi đã hết thời hạn?
Trở lại vụ việc của ông Nguyễn Mạnh Sơn, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngay sau ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp vào 20/9/2015, ông không hề nhận được hàng từ chi nhánh của Công ty đa cấp Thăng Long. Phát hiện dầu hiệu bất thường, ông Sơn đã quyết định gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng bán hàng đa cấp (ngày 9 và 10/10/2015), tuy nhiên đều không được nhân viên văn phòng Công ty tại Bắc Ninh tiếp nhận giải quyết hay hướng dẫn thực hiện đúng quy định.
Chính vì thế, ngày 7/12/2015 và 14/12/2015, gia đình ông Sơn buộc phải gửi tiếp đơn lần 2 và lần 3 cho Công ty tại Hà Nội để yêu cầu hoàn tiền và chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, cả 2 lần Công ty đều thông báo cho ông Sơn ra Hà Nội lấy hàng và không đồng ý mua lại hàng hoá với lý do "đã quá hạn kể từ ngày ký hợp đồng". Rõ ràng nội dung này hoàn toàn không phù hợp so với những quy định của pháp luật. Bởi lẽ quy định thời hạn 30 ngày chỉ có hiệu lực khi người tham gia bán hàng đa cấp đã nhận hàng.
Từ cách thức trên có thể thấy Công ty đa cấp Thăng long và chi nhánh của mình đã cố tình trì hoãn, cản trở việc chấm dứt hợp đồng và trả lại hàng theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký với ông Sơn.
Ngoài ra, tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội (29/3), đại diện Công ty đa cấp Thăng Long cũng khẳng định ông Sơn đã nhận hàng. Đây là thông tin sai sự thật vì thực tế tại thời điểm ký hợp đồng (20/9/2015) tại Văn phòng của Công ty tại Bắc Ninh, đã không có sự xuất hiện của hàng hoá để kiểm kê hàng hoá theo biên bản bàn giao hàng mà Công ty đã đưa ra. Đã nhiều lần ông Sơn quay lại lấy hàng, nhưng Văn phòng Công ty tại Bắc Ninh đều trả lời không có hàng. Rõ ràng Công ty đa cấp Thăng Long có chủ ý không giao hàng cho người phân phối. Bằng chứng là phiếu lấy hàng mà ông Sơn được phát đều được in sẵn, đóng dấu sẵn trong đó ghi rõ “Phiếu này dùng để lấy hàng tại nơi NPP (nhà phân phối-PV) gửi hàng”. Tính tới thời điểm hiện tại, ông Sơn vẫn chưa hề nhận bất kỳ loại hàng hoá nào của Công ty đa cấp Thăng Long
Như vậy, việc công ty đa cấp Thăng Long yêu cầu nhà phân phối ký các giấy tờ (biên bản giao hàng, phiếu gửi hàng) không đúng so với thực tế diễn ra, liệu có phải là hành động có chủ ý nhằm che đậy những hành vi gian lận trước sự kiểm tra của các cơ quan chức năng?
Rất nhiều nghi vấn, dấu hiệu vi phạm về hoạt động bán hàng của công ty đa cấp Thăng Long đang đặt ra chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận