Chuyện dọc đường

Nghĩ về hoạt động của “siêu Ủy ban”

24/02/2020, 06:00

Chuyện của TCT Đường sắt VN cũng như thực tế hoạt động "siêu Ủy ban" thời gian qua khiến nhiều người có cơ sở hoài nghi về mô hình hoạt động.

img
Bất cập về cơ chế khi TCT Đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đã gây khó khăn cho đơn vị vì không có tiền chi trả cho bảo trì hạ tầng đường sắt

Nhiều vướng mắc phát sinh do sự thiếu đồng bộ của pháp luật khiến vấn đề chuyển ngược Tổng công ty Đường sắt VN từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ GTVT đang được dư luận rất quan tâm.

Dư luận quan tâm là bởi Tổng công ty Đường sắt VN thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn đang do Bộ GTVT quản lý, dẫn đến tình trạng “đầu đi, chân ở lại”.

Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt VN cũng như thực tế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua khiến hoài nghi về mô hình này là có cơ sở.

Nếu không thay đổi về cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao, không có giải pháp hữu hiệu để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý so với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay, thì chắc chắn việc thành lập Ủy ban sẽ không đạt mục tiêu.

Hiện, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của các Bộ chuyên ngành với tổng giá trị tài sản gần 1,5 triệu tỷ đồng.

Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải như người kinh doanh vốn để lượng tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, đưa khối tài sản lớn trong các doanh nghiệp hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước...

Nói cách khác, mô hình này là tổ chức đầu tư chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Khi đã bỏ vốn vào doanh nghiệp là đầu tư chứ không phải chỉ đại diện.

Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua Ủy ban đã chưa làm đúng bản chất của nó. Một trong những nguyên nhân là vì tư duy không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế.

Một khi tư duy thay đổi thì hành động mới thay đổi, nếu vẫn còn vương vấn tư duy kế hoạch hóa tập trung với hành chính quan liêu, chưa dứt khoát, còn dùng dằng thì không thể chuyển động được. Đó chính là mấu chốt.

Vai trò của Ủy ban không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện, như giao tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như vậy, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp, vì dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi. Còn nếu Ủy ban cứ can thiệp từng dự án thì tôi tin rằng dù Ủy ban có hàng nghìn người cũng không làm được.

Mặt khác, nhân sự của Ủy ban cũng phải có tầm nhìn, giỏi ngang với những người giỏi nhất của các tập đoàn, tổng công ty mà mình quản lý. Mà muốn có những người giỏi như thế thì chắc chắn phải có cơ chế tiền lương theo thị trường lao động quốc tế, chứ không phải đưa những công chức từ chính quyền sang. “Ghế” ở “siêu Ủy ban” chắc chắn và không bao giờ nên là “ghế thử quyền lực”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.