Trong buổi họp báo chiều nay 23/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Bắc, tiếp sau đó lây lan mạnh ở các tỉnh phía Nam làm cho cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vừa phòng chống dịch vừa chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân.
Với nhiệm vụ dự trữ quốc gia, dự phòng nguồn lực mang tính chiến lược của Nhà nước đặt trên các địa bàn để chủ động sẵn sàng, phản ứng nhanh khi xảy ra biến cố đối với hoạt động, sản xuất của nhân dân.
Năm 2021 là năm xuất cấp số lượng gạo lớn nhất kể từ năm 2017 đến nay
Bà Giang cho biết, miền Nam là vựa lúa, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu nhưng năm nay lại có một nghịch lý là dự trữ quốc gia phải cấp ngược lương thực trong dự trữ cho đồng bào miền Nam.
Thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh đã đề xuất được cấp vật tư thiết bị và lương thực từ kho dự trữ quốc gia nhưng số lượng lớn hơn so với nguồn lực.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Quản lý hàng dự trữ ông Phạm Việt Hà cho biết, dịch bệnh bùng phát xảy ra đột xuất, là tình trạng cấp bách, không lường trước được, trong khi đó, chỉ tiêu dự trữ quốc gia căn cứ trên cơ sở kế hoạch hàng năm.
Khi đó, các tỉnh đồng loạt xin cấp vật tư, lương thực từ kho dự trữ trong thời gian ngắn. “Trong đó, TP.HCM chưa bao giờ phải xin xuất cấp gạo cũng đề xuất xin cấp 240 nghìn tấn gạo chỉ trong vài ngày”, ông Hà nói.
Từ thực tế của năm 2021, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước thừa nhận năm 2021 là năm rút ra bài học về việc đặt kho dự trữ tại các địa bàn trọng yếu.
“Nếu năm nay không có kho dự trữ tại các tỉnh phía Nam thì khó có thể xuất cấp lương thực kịp thời tới tay bà con nhân dân”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Thị Phố Giang nói.
Trả lời về việc nguồn lực dự trữ quốc gia hiện nay có đáp ứng trong việc khắc phục ứng cứu trong điều kiện bất trắc khi dịch bệnh diễn biến khó lường và chưa biết lúc nào kết thúc hay không, bà Phố Giang cho biết, Luật Dự trữ Quốc gia được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và hiệu lực từ ngày 1/7/2013 nêu rõ mục tiêu là hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia đáp ứng nhu cầu cấp bách, khắc phục thiên tai hoả hoạn, dịch bệnh quốc phòng an ninh…
Trên cơ sở đó, đến nay nguồn dự trữ quốc gia hàng năm cũng đã được nhà nước bổ sung tăng cường củng cố nguồn lực đủ mạnh để chủ động đáp ứng trong tình huống bất trắc xảy ra.
“Hàng năm, chúng tôi cũng tham mưu để cân đối chặt chẽ nguồn dự trữ theo khả năng ngân sách, tăng cường nguồn đủ mạnh chủ động đáp ứng nhiệm vụ đột xuất, cấp bách”, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói.
Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng cho biết đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tăng cường nguồn lực khi xây dựng danh mục hàng năm đảm bảo xuất cấp khi có nhu cầu.
Tổng cục căn cứ tình hình dịch bệnh để có tham mưu, bố trí nguồn lực phân bổ cho các địa bàn trên cả nước, để đáp ứng một cách chủ động nhất biến cố xảy ra, bà Giang nói.
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, năm qua, phục vụ công tác hỗ trợ dịch bệnh Covid-19, Tổng cục đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị trị giá khoảng 17,6 tỷ đồng; Xuất 410 bộ nhà bạt cứu sinh, 14 bộ máy phát điện cho UBND TP.HCM; Xuất 100 bộ nhà bạt, 10 bộ máy phát điện cho Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) để trang cấp ngay cho các lực lượng phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM; Xuất 100 bộ nhà bạt các loại và 8 bộ máy phát điện cho các tỉnh Cần Thơ, Bình Phước, Sóc Trăng; Xuất 15 bộ nhà bạt và 1 bộ máy phát điện cho Tây Ninh.
Về lương thực, Tổng cục hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 141.971 tấn gạo, trong đó gạo từ kho dự trữ là 66.558 tấn và mua 75.413 tấn. Năm 2021 là năm nhiều biến động và cũng là năm cơ quan này xuất cấp số lượng gạo lớn nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận