Ngay sau khi Bộ Công thương xin dừng quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo mà Chính phủ chỉ đạo theo chính chính đề xuất từ bộ này, đã có nhiều ý kiến xung quanh việc tham mưu và nắm bắt tình hình của Bộ Công thương cũng như vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.
Trả lời Báo Giao thông về việc nếu tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời điểm này có ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia không, Phó vụ trưởng vụ Quản lý hàng dự trữ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Bá Thanh cho biết: “An ninh lương thực luôn phải được đặt lên hàng đầu, là ưu tiên số 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Thanh cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang được giao nhiệm vụ chủ trì làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Năm 2019, Tổng cục đã hoàn thành kế hoạch mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Số lương thực này được bảo quản đúng quy chuẩn và được sử dụng để cứu trợ, hỗ trợ cho các địa phương dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt; Hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, hạn hán, mất mùa và các trường hợp bất khả kháng khác và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ giao.
Do đó, cần có sự tham mưu, điều hành hợp lý của Bộ Công thương giữa xuất khẩu gạo và nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như cho dự trữ lương thực (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia).
“Về nguyên lý, nếu xuất khẩu quá nhiều và không đúng thời điểm trong khi nguồn cung trong nước không đáp ứng kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước và thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia của Chính phủ”, đại diện Tổng cục Dự trữ Quốc gia phân tích.
Bởi khi cung không đáp ứng cầu thì giá cả lương thực trong nước có thể tăng lên và sẽ khó khăn cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính về bảo đảm an ninh lương thực, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết cơ quan này đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nhập lương thực năm 2020 để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, năm 2020, Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Dữ trữ Nhà nước đã giao cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực mua lương nhập kho gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Thời gian mua thóc thực hiện theo mùa vụ thu hoạch lúa năm 2020 của các địa phương và dự kiến hoàn thành việc nhập kho 190.000 tấn gạo là trước ngày 15/6/2020. Tức là ngay trong vụ thu hoạch Đông Xuân này.
Tuy nhiên, thông tin thêm với báo chí, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã cho biết, do nhu cầu của thế giới tăng cao trong đợt đại dịch Covid-19 này nên việc thu mua của Tổng cục Dự trữ đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể đủ số lượng theo yêu cầu mới nhất của Thủ tướng. Do đó, ông Đức cho rằng cần quyết liệt để đảm bảo thu mua đủ, dự trữ đảm bảo, không thể để xảy ra các tình trạng tương tự như việc lợn, than xuất khẩu thì giá rẻ nhưng khi mua lại thì đắt hơn cả chục lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận