Dân "té ngửa" nhận thông báo nộp tiền vào khu tái định cư
Mới đây, PV Báo Giao thông nhận được đơn kiến nghị của gần 20 hộ dân thuộc tổ 5, tổ 6, khu 2, phường Việt Hưng, TP Hạ Long phản ánh về nhiều bất cập liên quan đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường nối Khu công nghiệp (KCN) Cái Lân qua KCN Việt Hưng lên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (gọi tắt là dự án đường nối) do TP Hạ Long triển khai.
Khu đất được đền bù, GPMB thi công tuyến đường nối, cầu vượt lên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang bị bỏ hoang sau khi người dân bàn giao mặt bằng
Nội dung bà con kiến nghị là giá đền bù, GPMB thực hiện dự án chỉ từ vài trăm nghìn đến cao nhất là gần 6 triệu đồng/m2. Nhưng đến khi chuyển tới khu tái định cư (TĐC), người dân lại phải nộp từ 25 - 36 triệu đồng/m2.
Nghịch lý này khiến nhiều hộ dân ở phường Việt Hưng đã làm đơn kêu cứu.
Bà Tạ Thị Min, hiện đi ở nhờ trong một nhà xưởng gần khu đất bị đền bù, GPMB tại khu 2, phường Việt Hưng cho biết: Năm 2015, cơ quan chức năng xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Nhà nào ở vị trí tổ 5, tổ 6 tiếp giáp QL279 cũ cũng bị thu hồi một phần nhà ở, đất ở và đất vườn để làm cầu vượt qua cao tốc này.
Đến năm 2020, UBND TP Hạ Long tiếp tục thu hồi đất để làm dự án đường nối, đồng thời có chủ trương, vị trí đất thu hồi còn trống sẽ làm vườn hoa tiểu cảnh, thì gần 20 hộ dân khu vực này bị giải tỏa hoàn toàn.
Căn nhà của gia đình bà Min trước khi đền bù, GPMB rộng rãi, nhưng nay bốc vào khu tái định cư chỉ được gần 80m2 và giá đất thì gấp nhiều lần nơi ở cũ
Theo bà Min, thời điểm năm 2020, thị trường đang sốt đất, vị trí đất tương đương được bán giá từ 20 - 25 triệu đồng/m2, thì tại dự án đường nối, giá bồi thường mức cao nhất cho vị trí bám QL279 cũ là 2,1 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, cùng vị trí đất tương tự, đơn giá khi làm cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn năm 2015 đã là 5,97 triệu đồng/m2.
Do vậy, bà con kiến nghị và cơ quan có thẩm quyền của địa phương mới điều chỉnh giá đền bù dự án đường nối là 5,97 triệu đồng/m2 cho vị trí bám QL279 cũ. Còn các hộ trong đường nhánh chỉ được áp dụng giá từ 890 nghìn đồng/m2, 1,18 triệu đồng/m2 và 2,1 triệu đồng/m2…
"Nếu so với thị trường thì bà con quá thiệt thòi. Tuy nhiên, nhận thấy đây là công trình giao thông quan trọng, nên mọi nhà đều đồng thuận, nhận tiền và bàn giao mặt bằng", bà Min bày tỏ.
Vị trí một số hộ dân bám QL279 (cũ) đã đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công các dự án
Bà Lương Thị Huệ ở tổ 5, khu 2, phường Việt Hưng kể: Vào thời điểm chuẩn bị thu hồi đất, cơ quan chức năng của TP Hạ Long đã mời đại diện cư dân chọn khu đất TĐC.
Bà con đã chọn khu TĐC Đồng Giộc thuộc phường Hà Khẩu. Khu đất này khi đó các gia đình đang làm nông nghiệp. Tuy nhiên, thấy khu TĐC này gần nơi ở cũ, nên dù chưa có hạ tầng gì, bà con vẫn chấp thuận.
Thế nhưng, khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất vào khu TĐC, mọi người đều "ngã ngửa" vì giá vị trí thấp nhất là 25,08 triệu đồng/m2 và cao nhất là gần 36 triệu đồng/m2.
Trong khi chờ vào khu TĐC, nhiều hộ dân vẫn phải đi ở nhờ, ở trọ trong căn nhà chật hẹp, cũ nát
"Nếu tính bình quân mỗi hộ bị giải phóng 100m2 đất ở với đơn giá 5,97 triệu đồng/m2 cùng với nhà cửa, tài sản trên đất là được khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng nay với giá đó, nếu bốc được 75m2 ở khu TĐC thì thấp nhất cũng gần 2 tỷ đồng, cao phải gần 3 tỷ đồng.
Ở nơi cũ bám QL279 cũ đã có khu dân cư sầm uất, sản xuất, kinh doanh đều thuận tiện. Vậy mà giờ vào khu TĐC vị trí không được bằng nơi ở cũ, sao lại phải nộp số tiền lớp gấp nhiều lần như vậy?", bà Huệ bức xúc.
Chính quyền loay hoay tìm phương án
Trước thực trạng này, các hộ dân đã làm đơn đề nghị xem xét lại đơn giá phải nộp khi vào khu TĐC Đồng Giộc; xem xét, hỗ trợ thêm tiền thuê nhà...
Khu vực tái định cư cho các hộ được bố trí tại khu 1, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long
Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Hạ Long đã tổ chức nhiều lần đối thoại với dân. Sau vài lần đối thoại, UBND TP Hạ Long có công văn trả lời đơn kiến nghị với nội dung: "Việc các hộ có đơn đề nghị hỗ trợ chênh lệch giữa giá đất TĐC với giá bồi thường GPMB thực hiện dự án đường nối là không có cơ sở".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, 1 lãnh đạo UBND phường Việt Hưng, TP Hạ Long cho biết, các hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường nối bức xúc là có cơ sở. Bởi lẽ, trước khi các hộ bị di dời, điều kiện sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi, ổn định và giá mỗi m2 đất ở đây theo thị trường là vài chục triệu đồng/m2. Nhưng vì đồng thuận, chia sẻ với chính quyền thực hiện dự án giao thông, nên dân đã chấp nhận lấy số tiền đền bù chỉ vài triệu đồng/m2.
"Đơn giá khu TĐC ở Đồng Giộc là xây dựng theo giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, cần xem xét các hộ thuộc diện GPMB đã giao đất với số tiền chỉ vài triệu đồng/m2 để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống", vị lãnh đạo UBND phường Việt Hưng đề xuất.
Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Ân, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP Hạ Long cho biết, hiện nay, thành phố vẫn đang vận động nhân dân nếu tiếp tục lựa chọn vào khu TĐC Đồng Giộc thì khẩn trương nộp tiền để được giao đất thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, thành phố cũng giới thiệu các vị trí TĐC khác có giá phù hợp để hộ dân lựa chọn.
"Giá bồi thường dự án đường nối là theo thời điểm thu hồi đất được UBND tỉnh phê duyệt cụ thể. Thực tế, có nhiều khu TĐC khác trên địa bàn có giá thấp hơn, nhưng do các hộ dân đã chọn vào khu TĐC Đồng Giộc và thời điểm đó các hộ dân đều cam kết không đề nghị hỗ trợ chênh lệch và tiền thuê nhà. Vì vậy, giá TĐC ở Đồng Giộc phê duyệt cuối năm 2022 đảm bảo đúng quy định", ông Ân nói.
Khu vực gầm cầu vượt tại khu vực các hộ dân đã di chuyển giờ trở thành điểm sửa chữa ô tô, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho công trình giao thông
Trước ý kiến của Phòng Tài nguyên và môi trường TP Hạ Long, một số người dân có đất thuộc diện GPMB dự án đường nối cho hay, đúng là chính quyền TP Hạ Long cũng đã giới thiệu đến TĐC tại một số vị trí. Nhưng với giá bằng hoặc thấp hơn thì vào tít tận khu vực nông thôn, miền núi mới mua được, cách nơi ở cũ hàng chục cây số.
"Chúng tôi chọn khu TĐC gần nơi ở cũ dù cơ sở hạ tầng chưa bằng. Thế mà giá bồi thường GPMB chỉ vài trăm đến vài triệu đồng/m2, mà giá đất TĐC lên tới vài chục triệu đồng/m2, có phải là bất cập, nghịch lý? Nếu không có cơ chế hỗ trợ, bà con sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn", một người dân khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận