Chi Pu có mặt trong 4 hạng mục đề cử của Zing Music Award khiến nhiều người bất ngờ |
Phản ánh thị trường âm nhạc
Đầu tiên phải kể đến là giải Mai Vàng. Sau 22 năm tổ chức, giải thưởng này vẫn được nhiều người mong đợi. Năm nay, hạng mục Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống Cách mạng nhận được phiếu đề cử cao nhất. Điều này không mấy khó hiểu bởi thời gian qua, dòng nhạc trữ tình, dân gian tràn ngập khắp các cuộc thi, sân khấu, chương trình ca nhạc. Giải Mai Vàng 2017 có thêm hạng mục MV. Có thể nói, năm 2017, thị trường MV phát triển mạnh về lượng và chất, thể hiện tâm huyết của ca sĩ. Ngoài ra, còn hạng mục mới nữa là Ca sĩ nhí được yêu thích nhất với những cái tên như: Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Hà Quỳnh Như, Nghi Đình và Khánh Ngọc. Tuy nhiên, Mai Vàng 2017 lại thiếu mất “Ca khúc của năm”. Lý do được đưa ra là do chất lượng các bài hát được đề cử không cao, nên BTC và Hội đồng Nghệ thuật quyết định không đưa hạng mục này vào vòng bầu chọn.
Zing Music Awards 2017 (ZMA) cũng thiếu hạng mục Album của năm với lý do hạng mục này “không phù hợp xu hướng thị trường âm nhạc hiện tại”. Thay vào đó, ZMA 2017 bổ sung giải Nhạc sĩ của năm và Nghệ sĩ Indie/Underground được yêu thích. Điều này được đánh giá đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường âm nhạc khi năm qua, các underground và indie dần trở thành xu hướng âm nhạc bao trùm thị trường. Năm nay, ZMA có 14 hạng mục giải thưởng. Các đề cử được lựa chọn căn cứ trên số liệu từ bảng xếp hạng Zing MP3.
Năm thứ 4 tổ chức, POPS Awards 2017 có nhiều điểm mới trong quy mô tổ chức và cơ cấu giải thưởng. Chương trình sẽ mở rộng quy mô khi tổ chức tại nhà thi đấu với sức chứa hơn 3.000 người. Năm nay, bên cạnh thước đo về lượt xem, lượt theo dõi của các sản phẩm âm nhạc trực tuyến như truyền thống vốn có của giải thưởng này, tiêu chí chấm giải của POPS Awards có sự thay đổi. Một số hạng mục hướng đến vinh danh các sản phẩm, nghệ sĩ có nhiều đóng góp về chuyên môn, tạo được dấu ấn trên thị trường. Cũng theo xu hướng, giải thưởng Làn sóng xanh 2017 ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt các nhân tố mới chiếm lĩnh thị trường âm nhạc trong năm qua như: Sơn Tùng M-TP, Hương Tràm, Noo Phước Thịnh…
Bên cạnh các giải thưởng đã có thâm niên, 2017 có sự xuất hiện của một giải thưởng mới là Keeng Young Awards. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các nghệ sỹ dưới 30 tuổi đạt được những thành tựu hay đóng góp mang tính sáng tạo, dẫn dắt xu hướng âm nhạc trong năm. Keeng Young Awards gồm 16 hạng mục giải thưởng. Danh sách đề cử của mỗi hạng mục được xác định bởi top lượt nghe, xem, cài đặt nhạc chờ trên 2 hệ thống dịch vụ Keeng. Người dùng sẽ bình chọn ra top 5 cho mỗi hạng mục. Từ top 5, Hội đồng Nghệ thuật sẽ xét duyệt trên các tiêu chí nhằm tìm ra những nghệ sĩ trẻ được trao giải.
Chưa kích cầu được chất lượng
Đổi mới trong các giải thưởng âm nhạc phần nào phản ánh bộ mặt thị trường âm nhạc, cũng như nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả. Vậy mới có chuyện Chi Pu gây nhiều tranh cãi khi ra MV, nhưng cô lọt vào bốn hạng mục đề cử trong Zing Music Awards nhờ số lượng fan đông đảo. Ngay đến sản phẩm âm nhạc của Chi Pu cũng có lượng lượt xem cao ngất ngưởng, phản ánh thị phần nào thị hiếu nghe nhạc dễ dãi của công chúng.
Giải của Zing Music Awards phần nào cho thấy, chất lượng âm Việt tỉ lệ nghịch với lượng vote/hoặc lượng người nghe ca khúc. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhìn nhận, giải thưởng là động lực để các ca sĩ trẻ cố gắng làm những sản phẩm tốt. Còn việc giúp thị trường âm nhạc đi xa hơn thì không làm được. Bởi lẽ, đa số các giải thưởng hiện nay chỉ dựa vào lượt xem, nghe trên mạng xã hội. Do đó, ca sĩ khi thực hiện sản phẩm âm nhạc cũng tìm cách để đạt được lượng xem, nghe cao nhất có thể. Họ không tập trung nhiều vào chất lượng, sự sâu sắc của sản phẩm. Thị trường âm nhạc đang quá an toàn bởi không ai dám mạo hiểm, rời khỏi xu hướng làm nhạc bề nổi dễ nghe, dễ cảm. Một khi thị trường luôn an toàn thì không thể bứt phá được.
Nam nhạc sĩ cho biết thêm, năm qua nhạc Việt có nhiều bài hit nhưng đa số là những bài dạng “mì ăn liền”. Các bài hát theo dạng ballad giống nhau, thiếu những bài sâu sắc. Đây cũng là theo xu hướng phát triển của công nghệ số và liên quan trực tiếp đến thu nhập. Ca sĩ bỏ tiền ra, muốn làm sản phẩm view cao để chạy show, có quảng cáo. Bởi thế, khó có thể khuyên họ hãy làm nhạc vì nghệ thuật, đừng vì tiền.
“Hội đồng Nghệ thuật luôn cố gắng chọn những bài chuyên môn chất lượng nhất nhưng cũng khó vì trong đề cử không có những bài như thế. Thực ra không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều vậy. Để phát triển được thì phải có những giải thưởng có tính chuyên môn cao”, Dương Khắc Linh cho hay.
Đồng quan điểm, theo nhạc sĩ Anh Quân, để âm nhạc có tính chuyên môn cao, có tính định hướng rõ rệt và kích thích chất lượng thì cần giải thưởng của những người làm nghề. Trong khi, phần lớn các giải thưởng hiện nay là của các đơn vị tư nhân kinh doanh âm nhạc. Chưa có giải thưởng nào của hội làm nghề chuyên nghiệp như các tổ chức ghi âm, ghi hình, biểu diễn. Các giải thưởng mới mang tính kích thích thị trường, động viên ca sĩ trẻ là chính. Ai có lượng xem, nghe cao thì dễ đoạt giải. Những giám khảo chuyên nghiệp có trong Hội đồng Nghệ thuật lại chỉ chấm theo những tiêu chí như vậy.
Chia sẻ thêm về việc bỏ hạng mục Album của giải thưởng âm nhạc Zing Music Awards, nhạc sĩ Anh Quân cho rằng, với một nghệ sĩ nói chung, album là quan trọng nhất. Bởi, album đánh dấu một chặng đường dài chứ không phải mang tính thời vụ. Nhưng ca sĩ hiện nay lại chỉ chạy theo single, MV, muốn có hiệu quả ngay chứ không nhìn ra tầm quan trọng của album. Đây là một lỗ hổng lớn của thị trường âm nhạc hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận