Chất lượng sống

Tiền bệnh nhân phải trả khi dùng máu hiến của bệnh viện đi đâu?

10/01/2018, 07:15

Nguồn máu dự trữ hiện chủ yếu vẫn từ hoạt động hiến máu nhân đạo. Vậy, tại sao người bệnh phải trả tiền...

16

Nguồn máu dự trữ hiện chủ yếu từ hiến máu nhân đạo

Định kỳ 2 lần/năm khan hiếm lượng máu dự trữ

Sáng 9/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết: “Từ nhiều năm nay, cao điểm khan hiếm máu thường diễn ra đều đặn 2 lần/năm, là vào hè và dịp Tết; riêng trong dịp Tết thì chia ra hai đỉnh nhỏ là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Nếu như những năm trước, mỗi đợt khan hiếm thường có thể kéo dài 2-3 tháng, thì vài năm gần đây đã rút ngắn đi rất nhiều chỉ còn từ 3 tuần - 1 tháng”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm máu trong những dịp này chủ yếu do lượng học sinh, sinh viên nghỉ hè, nghỉ Tết nên lượng máu hiến giảm sút nghiêm trọng. Và mỗi năm lại có một nhóm máu có dấu hiệu khan hiếm. Điển hình là tại thời điểm này, nhóm máu O đang rất thiếu.

Trước đó, ngày 4/1, lượng máu dự trữ tại Khoa Lưu trữ và Phân phối máu, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chỉ còn 6.910 đơn vị, trong đó đặc biệt nhóm máu O chỉ còn 1.295 đơn vị (chiếm khoảng 18,7% tổng lượng máu dự trữ). Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu 45% tổng lượng máu, tương đương gần 700 đơn vị máu/ngày.

Ai có thể tham gia hiến máu?

Nam/nữ từ đủ 18 - 60 tuổi. Với nữ, cân nặng ít nhất là 42kg, 45kg đối với nam giới được phép hiến máu toàn phần; người có cân nặng từ 42kg đến dưới 45kg được phép hiến không quá 250ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 500ml mỗi lần. Người hiến không mắc các bệnh mạn tính hoặc cấp tính về thần kinh, tâm thần, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hóa, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, tình trạng dị ứng nặng; không có tiền sử lấy, hiến, ghép bộ phận cơ thể người; không nghiện ma túy, nghiện rượu; không có khuyết tật nặng; không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại thời điểm đăng ký hiến máu; Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến máu toàn phần là 12 tuần.

Lý giải về nguyên nhân thiếu nhóm máu O trong thời điểm này, ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho rằng: “Do đây là nhóm máu có tỉ lệ cao trong cộng đồng, khoảng 45% dân số Việt Nam nên nhu cầu sử dụng máu cũng cao hơn các nhóm máu khác. Hơn nữa, nhóm máu O là nhóm có thể truyền thay thế được cho tất cả các nhóm máu khác. Nên đối với một số trường hợp cấp cứu hoặc khó tìm nhóm máu phù hợp…, các cơ sở điều trị sẽ chỉ định truyền nhóm máu O thay thế. Đây là hai lý do cơ bản dẫn tới tình trạng khan hiếm nhóm máu này”. Thời điểm khan nhóm máu O, viện đã phải liên hệ tới các bệnh viện ưu tiên cho các trường hợp bệnh cấp cứu như: Xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu bẩm sinh, sinh mổ, TNGT..., hoãn lại các ca mổ không gấp gáp.

Sau lời kêu gọi hiến máu với nhóm máu O, lượng người đến hiến tăng nhanh từng ngày. Theo ông Dương, tính đến sáng 9/1, số lượng dự trữ nhóm máu O là trên 3.000 đơn vị. Tuy nhiên, với số lượng này cũng chỉ duy trì được 6 ngày. Trong khi đó, khoảng 20 ngày từ 23 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng lại thiếu nguồn máu hiến. Do vậy, để đảm bảo đủ lượng máu dự trữ cho cả dịp Tết sắp tới, cần lượng máu tồn 25 ngày.

“Nguồn máu dự trữ này trông chờ toàn bộ vào hoạt động hiến máu nhân đạo của cộng đồng. Trong khi đó, máu lại không thể dự trữ được lâu, thường chỉ khoảng 42 ngày, nên không thể tích được theo như dự trù. Do vậy, rất cần lượng máu hiến một cách thường xuyên”, ông Dương cho biết.

Giá chế phẩm máu tại Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực

Lý giải vì sao máu được hiến nhân đạo mà bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền ra mua, ông Phạm Tuấn Dương cho biết: “Máu tiếp nhận được từ người hiến máu chỉ mới là nguồn nguyên liệu bước đầu cho một quá trình chuyên môn hết sức nghiêm ngặt để có thành phẩm khi tới bệnh nhân. Để phục vụ quy trình này, cần lượng lớn nhân lực, trang thiết bị, máy móc”.

Theo ông Dương, nguồn máu thu được từ người hiến sẽ tiếp tục trải qua các công đoạn như: Phân tách, xét nghiệm, bảo quản, lưu trữ mang đến các bệnh viện… Cụ thể, phải tiến hành những xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu như: HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét..., xác định nhóm máu hệ ABO, Rh; xác định huyết sắc tố... Tiến hành sản xuất ra các thành phần máu khác nhau từ đơn vị máu toàn phần như: Tiểu cầu, hồng cầu khối, bạch cầu, huyết tương... Thực hiện quy trình lưu trữ và bảo quản nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc. Mỗi chế phẩm máu lại có yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ khác nhau, ví như hồng cầu từ 2-6 độ C, tiểu cầu từ 20-22 độ C, bạch cầu là 24 độ C và huyết tương là -18 độ C đến -24 độ C... Trước khi đến với người bệnh, các chế phẩm phải được xét nghiệm bảo đảm hòa hợp miễn dịch, đánh mã và quản lý bằng barcode để tiện theo dõi. Sau khi điều chế xong, máu được bảo quản trong những dây chuyền lạnh. “Chi phí thực hiện cả một quy trình để ra được chế phẩm phục vụ bệnh nhân là rất lớn. Để so sánh với các nước như Thái Lan, Singapore thì giá chế phẩm máu tại Việt Nam là thấp. Ví như 1 đơn vị máu (450ml) ở Thái là 120 USD (khoảng 2,6 triệu đồng), ở Singapore là 250 USD (5,5 triệu đồng), còn tại Việt Nam là hơn 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu tham gia BHYT, thì cơ bản chi phí cho máu quỹ BHYT chi trả”.

Ông Dương cũng cho biết thêm, với những người đã tham gia hiến máu, theo quy định cũng sẽ được bồi hoàn (miễn phí) lượng máu tương ứng trong trường hợp cần truyền máu. Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa có liên thông dữ liệu về người hiến máu, chủ yếu lưu trữ thô bằng việc phát thẻ chứng nhận hiến máu cho người hiến nên chưa tạo thuận lợi cho người hiến khi họ cần máu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.