Bất cập thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Ngày 29/11, sau khi tiếp nhận văn bản kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã trực tiếp thị sát và nắm tình hình tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nghe báo cáo tình hình vận hành, khai thác dự án chiều ngày 29/11.
Trực tiếp lưu thông trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ĐBQH Lê Thanh Vân đánh giá đây là dự án có thời gian thi công nhanh, đảm bảo về chất lượng và an toàn, cho thấy năng lực và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Vân, việc bỏ trạm thu phí QL1 tại Km24+800 theo hợp đồng dự án ban đầu cộng với cam kết hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho dự án của UBND tỉnh Lạng Sơn chưa được thực hiện là nguyên nhân chính khiến phương án tài chính của dự án không được đảm bảo, quyền lợi nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn là dự án không được ngân hàng giải ngân vốn tín dụng để trả nhà thầu.
Tính từ khi vận hành thu phí đến nay, doanh thu của dự án chỉ đạt 1.208 tỷ đồng tương ứng 31,5% so với PATC ban đầu. Mỗi tháng, doanh thu chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng so với phương án tài chính 80 tỷ đồng.
Do phương án tài chính bị thay đổi, ngân hàng Vietinbank đã dừng giải ngân vốn vay tín dụng từ ngày 30/9/2020 khiến doanh nghiệp dự án không có chi phí để thanh toán cho nhà thầu (hiện còn khoảng 500 tỷ đồng).
“Đây là bất cập tại dự án. Bất cập này thuộc về phía nhà nước, cụ thể ở đây là UBND tỉnh Lạng Sơn”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói và cho rằng, hợp đồng thực hiện dự án BOT giữa các bên đã được ký kết. Việc thực thi cần phải bình đẳng, tuân thủ theo đúng các điều khoản. Bên nào vi phạm hợp đồng phải chịu xử lý theo đúng chế tài quy định, kể cả là phía cơ quan nhà nước.
“Để giải quyết bất cập hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn một mặt phải thực hiện, tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, một mặt phải thực hiện đúng cam kết hỗ trợ dự án 2.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cần nghiên cứu phương án bù đắp, hỗ trợ cho nhà đầu tư khi cắt giảm một trạm thu phí so với phương án ban đầu.
Phải xác định rõ bất cập, trách nhiệm của các bên. Nếu dự án được thực hiện chính đáng, triển khai theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mang lại hiệu quả KT-XH mà gặp khó khăn khách quan thì nhà nước phải hỗ trợ hoặc thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định tại hợp đồng ký kết với nhà đầu tư”, ông Vân nêu quan điểm.
Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn dù được nhà đầu tư hoàn thành đúng yêu cầu về tiến độ, chất lượng.
Khó khăn bủa vây
Báo cáo tại hiện trường, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Việt Nam và nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ để triển khai hoàn thành sau 2 năm thi công đảm bảo chất lượng.
Trong đó, hợp phần 1 tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đã được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2018.
Hợp phần xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500 đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2020.
Theo ông Vĩnh, từ lúc đưa vào vận hành khai thác và thu phí đến nay, tuyến đường đã phục vụ hơn 4 triệu lượt xe, đảm bảo ATGT thông suốt trên toàn tuyến, thúc đẩy phát triển KT-XH giữa tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án và khả năng trả nợ ngân hàng.
Cụ thể, việc bỏ trạm thu phí QL1 tại Km24+800 theo hợp đồng dự án ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 6.907 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án. Thực hiện phương án này, tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ dự án nhưng đến nay khoản tiền này vẫn chưa được bố trí.
Việc áp dụng vé tháng/quý và xe miễn giảm cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương xung quanh trạm thu phí Km93+160, QL1 dẫn đến sụt giảm doanh thu thu phí khoảng 46,4% (84 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến TP Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị chưa được xác định dẫn đến lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu phí hoàn vốn.
Đề xuất điều chỉnh cơ cấu nợ cho dự án
Trước những bất cập hiện tại, DNDA kiến nghị đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Ngân hàng VietinBank điều chỉnh cơ cấu nợ của dự án trong năm 2023 trên cơ sở nguồn thu thực tế hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục giải ngân phần tín dụng còn lại không để dự án bị ách tắc; xem xét giảm lãi suất, giãn nợ để phù hợp với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.
Có ý kiến với UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương) hỗ trợ 50% theo quy định của luật PPP.
Có ý kiến thúc đẩy triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhằm khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội trong năm 2025 theo quy hoạch.
Trước đó, tại văn bản kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cũng đề xuất đối với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, DNDA, các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ cần phải đàm phán lại trong bối cảnh chính sách thay đổi để có giải pháp bù đắp doanh thu thiếu hụt cho dự án hoặc trả lại quyền thu phí cho doanh nghiệp.
Trước mắt, cần tính toán điều chỉnh lãi vay, dừng xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận