Dự án sẽ được triển khai theo hình thức PPP
Chiều 29/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và TP. HCM về một số dự án giao thông quan trọng của hai địa phương, đặc biệt là dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh). Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
Đại diện Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được Hàn Quốc hỗ trợ ODS không hoàn lại theo dự án đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT (Dự án DEEP).
Bộ GTVT sau đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu dự án. Theo đó, điểm đầu dự án tại điểm giao với đường vành đai 3 TP.HCM và điểm cuối tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Chiều dài toàn tuyến khoảng 53,5km. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 23,7km và đoạn qua Tây Ninh dài 29,8km.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được thiết kế cho giai đoạn hoàn chỉnh là cao tốc với vận tốc thiết kế 100 - 120km, giai đoạn phân kỳ có vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 10.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 5.700 tỷ đồng, chi phí GPMB, tái định cư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 1.200 tỷ đồng…
Về cơ cấu nguồn vốn, dự kiến vốn nhà đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng, vốn Nhà nước khoảng hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó vay ODA hơn 4.800 tỷ đồng, vốn đối ứng từ NSNN là 172 tỷ đồng) để thực hiện GPMB và tham gia hỗ trợ một phần chi phí xây dựng. Dự kiến, dự án sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 22 năm 4 tháng.
Đáng lưu ý, khi tham gia ý kiến cho dự án, các Bộ KH-ĐT, Tài chính đều cho rằng, khó có thể cân đối phần ngân sách Nhà nước cho dự án trong giai đoạn 2016 - 2020. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Vụ Đối tác công tư đã yêu cầu Ban QLDA 2 và tư vấn nghiên cứu bổ sung các phương án đầu tư, phân kỳ về quy mô mặt cắt ngang nhằm giảm chi phí xây dựng, đồng thời sử dụng toàn bộ ngân sách địa phương cho công tác GPMB, không sử dụng ngân sách Trung ương. Theo đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, quy mô toàn tuyến là 4 làn xe, rộng 17m, bố trí dải dừng khẩn cấp không liên tục. Tổng mức đầu tư giảm còn hơn 9.700 tỷ đồng
Được biết, đầu tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dự án theo đúng quy định; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
Hai địa phương trích ngân sách bố trí vốn GPMB
Tại buổi làm việc chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất báo cáo Chính phủ về chủ trương giao dự án cho địa phương, trong đó TP. HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với tỉnh Tây Ninh cùng các cơ quan của Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan triển khai đẩy nhanh tiến độ của dự án.
“Trong điều kiện kinh phí khó khăn, nhất là ngân sách Trung ương, Bộ GTVT ủng hộ địa phương trích ngân sách của địa phương để thực hiện công tác GPMB, đồng thời đề nghị chi phí GPMB trên địa bàn địa phương nào, ngân sách địa phương đó phải đảm bảo”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, trong giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng 4 làn xe (hạn chế), giao cho địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn đầu tư và giai đoạn vận hành BOT thu phí. Sau thời gian thu phí sẽ bàn giao cho Trung ương (Bộ GTVT quản lý).
“Bộ GTVT và hai địa phương cam kết với Chính phủ huy động vốn xã hội để đầu tư hoàn chỉnh dự án. Trong trường hợp khó khăn về phương án tài chính, đề nghị bố trí ngân sách địa phương để triển khai”, Bộ trưởng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận