Y tế

Nghiện game online, Facebook dễ bị tâm thần

21/08/2019, 06:52

Các bệnh viện tâm thần đều ghi nhận những ca bệnh của người trẻ có nguyên nhân xuất phát từ việc “nghiện” game online hay mạng xã hội.

img
Nghiện game, mạng xã hội có nguy cơ gây bệnh tâm thần ở người trẻ (ảnh minh họa)

Mặc dù không có con số thống kê chính xác nhưng tại các bệnh viện tâm thần đều ghi nhận các ca bệnh của người trẻ có nguyên nhân xuất phát từ việc “nghiện” game online hay mạng xã hội (MXH).

Trầm cảm vì “nghiện” Facebook, game online

Tại Bệnh viện (BV) Tâm thần T.Ư I, bệnh nhân Nguyễn Thu H. (SN 2004, quê Yên Bái) mới nhập viện điều trị được gần 1 tháng. Theo con nhập viện để tiện chăm sóc, chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ của H.) cho biết: “Trước khi đưa con nhập viện, cháu cứ nằm lỳ ở trong phòng, không dậy, không giúp mẹ được việc gì, học hành kém. Suốt ngày, H. chỉ ôm lấy cái điện thoại. Thậm chí, còn liên tục đòi mẹ mua quần áo mới, chỉ để chụp đưa lên Facebook lấy “lai” gì đó. Mà gia đình thì không đủ điều kiện đáp ứng. Mỗi lúc như vậy cháu dằn dỗi, cáu kỉnh. Đỉnh điểm là khi tôi cấm, tịch thu điện thoại thì cháu có thái độ nổi khùng, cáu gắt, đập phá đồ xung quanh. Lúc này đành đưa đến viện”. Tại đây, H. được chẩn đoán có dấu hiệu bệnh tâm thần, cần ở lại viện để theo dõi và điều trị.

Còn với trường hợp Nguyễn Thanh B. (SN 1996, Hà Nội) vốn là một học sinh chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập, khi B. bước chân vào ngưỡng cửa đại học, gia đình đã đặt không ít kỳ vọng. Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm vào học hành, B. bắt đầu lao vào chơi game bất kể đêm ngày. Để có tiền chơi, B. bắt đầu tìm đủ cách để lấy trộm tiền của bố mẹ. Các biểu hiện nghiện game của B. ngày càng gia tăng, cậu sẵn sàng tuyệt thực nếu bố mẹ không đồng ý cho chơi game, số môn nợ tại trường học càng trở nên chồng chất… Lúc này, gia đình buộc phải đưa B. tới Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) để thăm khám.

BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, qua khai thác thông tin, tâm lý từ bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện, B. nghiện game trên nền tảng bệnh lý về sức khỏe tâm thần - đó là trầm cảm. “Khi bước vào đại học, do thay đổi môi trường học tập, nam sinh viên này cảm giác không thể thích nghi với môi trường mới khiến cậu chán nản, muốn buông xuôi và đặc biệt lại không thể chia sẻ với gia đình”, BS. Thiện nói và cho hay, cũng vì thế, B. bắt đầu lao vào rượu chè, hút thuốc, thậm chí sử dụng chất kích thích như cần sa. Và cuối cùng B. tìm tới game như một cách để giải tỏa cảm xúc và trốn tránh thực tại của mình.

Trường hợp của B. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân nghiện game hay các thiết bị có màn hình, kết nối internet (như điện thoại, iPad)… tới thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng, riêng tại Khoa Điều trị tâm thần nhi tiếp nhận trung bình hơn 10 trường hợp.

Làm gì để “cứu” trẻ thoát nghiện mạng xã hội?

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho biết, việc sử dụng mạng xã hội khiến thanh, thiếu niên tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Theo khảo sát, trẻ em gái bị tác động tiêu cực nhiều hơn trẻ em trai. Những cô bé tuổi teen kiểm tra Fcebook, Instagram, Snapchat hàng tuần sẽ có 20% nguy cơ bị khủng hoảng tâm lý, nếu đăng nhập thường xuyên (từ 4 lần mỗi ngày trở lên), nguy cơ khủng hoảng tâm lý sẽ tăng từ 28-40%.


Theo BS. Lê Công Thiện, giống như B., rất nhiều trẻ vị thành niên MXH, nghiện game có nền tảng mắc bệnh sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chống đối… Việc chơi Facebook hay game giống như “cứu cánh” để các bệnh nhân này có cảm giác giải tỏa được các vấn đề tâm lý của mình. Và việc đắm chìm trong các trò chơi điện tử dần dần sẽ ảnh hưởng tới tính cách của trẻ. “Chuỗi tương tác Sức khỏe tâm thần -MXH - Tính cách, sẽ khiến các bạn trẻ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn không có lối thoát. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện nghiện MXH, game online, gia đình cần quan tâm và đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám, xác định các bệnh lý nền nếu có để có liệu pháp can thiệp phù hợp, kịp thời. Điều quan trọng nhất là trẻ cần sự quan tâm từ chính gia đình, cha mẹ cần tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng phù hợp để trẻ không có điều kiện sa đà thái quá vào MXH”, BS. Thiện phân tích.

Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố tích cực thì môi trường không gian mạng cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như: Thông tin giả (fake news) được lan truyền nhanh; thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc mà người dùng không kịp kiểm chứng; thông tin xuyên tạc, kích động, hình ảnh bạo lực trái với truyền thống văn hóa, đạo đức, xã hội; thông tin lừa đảo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại người khác…

Lý giải vì sao thanh, thiếu niên dễ gặp rủi ro trên môi trường mạng, bà Linh cho hay, dù là đối tượng dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng CNTT nhưng thanh, thiếu niên chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet như: Lộ thông tin cá nhân, nghiện game, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác... “Việc sử dụng MXH là xu hướng không thể cưỡng lại nên người trẻ cần có kỹ năng sử dụng; đồng thời cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần dạy các em kiến thức, kỹ năng và thái độ để các em không chỉ có tư duy logic mà còn phải thấu cảm trong xử lý thông tin”, bà Linh khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.