LTS: Nhờ được trợ giá, giá vé xe buýt đang ở mức thấp nhằm thu hút người dân đi phương tiện vận tải công cộng. Tuy nhiên, so với số tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm và những gì thu được, đã đến lúc đặt ra câu hỏi: Có nên tiếp tục trợ giá cho xe buýt hay không? Trợ giá cách nào mới hiệu quả?
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài "Nghìn tỷ trợ giá, xe buýt vẫn bế tắc" nhằm lý giải câu chuyện này và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt.
Trên tuyến buýt 56 tại TP.HCM, sàn xe nhếch nhác, bày đủ thứ
Không hiếm cảnh tài xế xe buýt ăn ngủ nghỉ trên xe, do vậy, xong nồi, dầu ăn cũng hiện diện thường xuyên trên xe buýt
Bài 1: Khi xe buýt “cõng” cả nồi niêu, xoong chảo
Chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ chưa tốt, thời gian di chuyển chậm là những nguyên nhân chính khiến người dân vẫn thờ ơ với xe buýt. Trong khi đó, Nhà nước vẫn bỏ ra cả nghìn tỷ đồng mỗi năm để trợ giá.
Nhân viên ăn ngủ… ngay trên xe
Trưa 13/7, như thường lệ, Huyền Trân, sinh viên năm 2 trường Đại học Tài chính- Makerting TP.HCM, lên xe buýt tuyến 56 đi từ Chợ Lớn tới Đại học GTVT. Quá quen với chiếc xe buýt cũ kỹ, rung lắc như xe ngựa mỗi khi gặp ổ gà, song gần đây cô không khỏi ngạc nhiên khi thấy cả… nồi niêu, xong chảo, chăn mền của bác tài để ngay cạnh khu vực ghế lái.
Trực tiếp ghi nhận thực tế trên tuyến buýt 56, PV ghi nhận một vài ghế ngồi trên xe đã bong tróc, xung quanh gầm ghế bày đủ thứ, từ chổi lau nhà, khăn lau, thậm chí cả đồ sinh hoạt của nhân viên, trông rất nhếch nhác.
Không chỉ hành khách than phiền, chính tài xế, phụ xe cũng than phiền về mức lương thấp, áp lực hành trình phải đúng giờ... Ngay trên xe, người phụ lái vừa cắm vội nồi cơm, vừa chia sẻ: “Một ngày làm việc từ 5h sáng tới hơn 10h tối nên không còn thời gian để làm gì cả, ngủ cũng ngủ tại xe luôn”.
Được biết, tuyến xe buýt 56 từ Đại học GTVT- Chợ Lớn với cự ly 19,5km đang được thu 20.000 đồng/vé, chia ra khoảng 1 ngàn đồng/1km. Và hàng năm, mỗi xe được trợ giá 930 triệu đồng.
Trên một tuyến khác là tuyến 139, N.X, sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho hay, lộ trình tuyến đi qua nhiều bệnh viện lớn nên có rất nhiều người lớn tuổi đi khám bệnh. “Người già thì hay lạ đường nên không biết lên, xuống ở đâu cho tiện, nhưng khi họ hỏi thì thường bị phụ xe quát mắng, rất phản cảm”, N.X. kể.
Một nỗi ám ảnh khác mà những người đi xe buýt thường xuyên đều có thể cảm nhận là, sau mỗi lần đón khách xong, xe sẽ phóng nhanh, vượt ẩu. Khi đến trạm, nếu thấy 1-2 khách, xe không tấp hẳn vào điểm đón mà thường đi chầm chậm, mặc kệ khách chạy bộ đuổi theo, cực kỳ nguy hiểm.
Ám ảnh chờ lâu, di chuyển chậm
Tại Hà Nội, các phương tiện không đến nỗi quá cũ kỹ, song có thể thấy không ít lý do khiến người dân vẫn còn thờ ơ với xe buýt.
Trực tiếp “mục sở thị” trên các tuyến buýt có trợ giá, theo quan sát của PV, hành trình trong giờ cao điểm đều như “bò” trên đường, di chuyển chậm hơn rất nhiều so với xe cá nhân.
Điển hình, lúc 7h48 ngày 12/7, trên tuyến xe buýt số 01 lộ trình bến xe Yên Nghĩa- bến xe Gia Lâm, suốt một đoạn dài vài km, lái xe chỉ di chuyển được với tốc độ 15- 20km/h, còn khi ra đến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), xe buộc phải chôn chân tại chỗ giữa dòng phương tiện ken đặc.
Trong khi đó, bên trong xe, hệ thống ghế ngồi của xe buýt được điều chỉnh từ ghế bằng nhựa cứng sang ghế có đệm, hệ thống điều hoà của xe thoáng mát, có bảng lộ trình bằng điện tử thông báo cho hành khách và có hệ thống camera theo dõi hành trình trong xe.
Tuy nhiên, khi thoát được ra, mỗi lần tiếp cận các nhà chờ, khách đều phải vịn tay vào ghế nếu không muốn bị ngã về phía trước vì xe lao vun vút, liệng trái rồi liệng phải.
Tại điểm chờ xe buýt ở số 10 Trần Phú (Hà Đông) lúc 11h45, thậm chí PV phải mất tới 30 phút mới có thể lên xe để về bến xe Yên Nghĩa. Dù có nhiều chuyến xe qua điểm chờ này nhưng tài xế chỉ nhấp đèn và mở cửa chưa tới 10 giây, khách chưa kịp lên hết, cửa đã đóng.
Phải chạy thật nhanh PV mới kịp lên tuyến buýt số 27. Lúc này cả lái, phụ xe đều trần tình rằng, không dừng lâu vì… phải bớt thời gian ở các điểm dừng do áp lực “khoán giờ”, nếu về không đúng giờ sẽ bị phạt tiền.
Cả trợ giá lẫn không trợ giá đều vắng khách
Tại Đà Nẵng, hệ thống buýt trợ giá được vận hành từ năm 2016. Đến nay, toàn thành phố có 11 tuyến do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 trúng thầu vận hành.
Thời gian đầu, các tuyến buýt này hoạt động khá hiệu quả, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, khách rất vắng, có chuyến xe chỉ 7 - 8 hành khách. Từ năm 2017 đến nay, giá trị tiền trợ giá thanh toán tổng cộng cho 11 tuyến gần 138 tỷ đồng.
Tại Quảng Ngãi, từ năm 2017, tỉnh áp dụng trợ giá đối với các tuyến xe buýt với mức 20% giá vé. Tổng cộng có 5 tuyến buýt trợ giá, tuy nhiên rất vắng khách. So với thời gian trước dịch, sản lượng khách giảm từ 28- 40%.
Không riêng gì những tuyến xe buýt trợ giá, các tuyến không trợ giá cũng giảm sút nghiêm trọng. Trong đó có nhiều tuyến giảm đến 90% khách, đến mức xin tạm dừng hoạt động.
Chi nghìn tỷ trợ giá mỗi năm, doanh nghiệp vẫn than lỗ
Theo thống kê, hiện nay trên toàn địa bàn Hà Nội có 126 tuyến buýt trợ giá với hơn 1900 xe, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới 63 xã, nâng tổng số xã, phường, thị trấn có xe buýt trợ giá hoạt động lên 516/579, tương đương 89,1%.
Mạng lưới xe buýt bao phủ là vậy, song thực tế trên các trục đường chính ra vào nội đô vẫn chủ yếu là phương tiện cá nhân. Điển hình, trục đường Quang Trung (Hà Đông) - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) dù được bố trí mạng lưới xe buýt lớn nhất, có tuyến tàu điện trên cao dọc trục đường vẫn thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng.
Cách tính trợ giá cho doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang được tính theo các hạng mục, cụ thể gồm: chi phí khấu hao, nhiên liệu, dầu nhờn, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, săm lốp ắc quy, phí đường bộ, bảo hiểm tự nguyện dân sự, phí cầu phà bến bãi, chi phí chung, chi phí quản lý, lãi vay, bảo hiểm hành khách, ăn trưa.
Đại diện một doanh nghiệp buýt có trợ giá trên địa bàn TP cho biết: “Nhìn từ bữa ăn 20 nghìn đồng/người có thể thấy rõ chi phí này hiện còn khá thấp. Hiện chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị TP sớm điều chỉnh”.
Ông Đào Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội cho biết, sau dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải buýt bị ảnh hưởng rất rõ về doanh thu, chỉ đạt khoảng 30% so với hồ sơ thầu. Nhưng do đã đầu tư phương tiện, vì công ăn việc làm của hàng nghìn lao động nên đơn vị vẫn phải tiếp tục hoạt động.
Theo ông Dũng, theo hồ sơ thầu, đơn giá định mức từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được TP điều chỉnh, trong khi các chi phí đều biến động theo hướng tăng lên.
Xe buýt Bắc Hà tại Hà Nội xin dừng hoạt động các tuyến buýt trợ giá do công ty khai thác do tình hình tài chính khó khăn
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, phương pháp trợ giá xe buýt đang áp dụng là theo km xe chạy đối với từng tuyến, từng nhóm xe.
Công thức tính là kinh phí trợ giá = tổng chi phí - doanh thu. Chỉ tiêu doanh thu hàng năm được xác định trên cơ sở số liệu thực hiện của năm trước liền kề và dự báo nhu cầu đi lại trong năm hiện tại. Tuy nhiên đôi khi định mức, đơn giá chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế.
Theo nguồn tin riêng của PV, trung bình mỗi năm Hà Nội trợ giá cho xe buýt khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Còn tại TP.HCM, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, hiện TP có 127 tuyến xe buýt, trong đó có 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 36 tuyến xe buýt không trợ giá.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, tiêu chí trợ giá có 2 hình thức là đấu thầu và đặt hàng. Tuyến nào đủ điều kiện và mở mới thì đấu thầu, sắp tới những tuyến cũ cũng sẽ tổ chức đấu thầu.
Công thức tính trợ giá là tổng chi phí trừ doanh thu, thiếu bao nhiêu thì Nhà nước bù. Hiện nay bù trợ giá dựa theo sản lượng của năm trước, nên bù mà không bù hết.
Ví dụ, năm trước khoán cho doanh nghiệp 30 hành khách/chuyến, năm sau khoán tăng 10%. Tuy nhiên thời gian qua do Covid-19, sản lượng không đạt được như mức khoán nên doanh nghiệp than lỗ.
Được biết, năm 2021, TP.HCM phải chi hơn 1.400 tỷ đồng trợ giá xe buýt.
Bài 2: Nghịch lý tiền trợ giá tăng, khách đi xe giảm
Quảng Ninh: Doanh nghiệp xin tiếp tục trợ giá
Tại Quảng Ninh, đến thời điểm này chỉ có tuyến buýt miễn phí cho các tuyến từ sân bay Vân Đồn đến TP Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí.
Tuyến này đưa vào hoạt động từ năm 2019, gồm tuyến 14A (theo QL18A có cự ly 55km và tuyến 14B (theo đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn) có cự ly 72km. Hai tuyến này được ngân sách hỗ trợ 100% chi phí. Đối tượng phục vụ là hành khách đi máy bay di chuyển từ sân bay Vân Đồn đến các địa phương kể trên và ngược lại.
Theo ông Đoàn Thế Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên- đơn vị được lựa chọn cung ứng dịch vụ, Công ty đã đã đầu tư 20 tỷ đồng để trang bị 10 xe đạt tiêu chuẩn xe du lịch chất lượng. Tính đến nay, tổng cộng đã có 14.815 chuyến, chở 118.095 lượt hành khách, tổng giá trị thực hiện ước khoảng 15,3 tỷ đồng.
“Thực tế, nếu không được trợ giá thì doanh nghiệp sẽ lỗ và không thể hoạt động được nữa. Do vậy, chúng tôi kiến nghị được tiếp tục gia hạn hợp đồng và trợ giá trong 2 năm tiếp”, ông Xuyên nói.
Hải Phòng: Doanh nghiệp có thể tự chọn tuyến để khai thác
Tại Hải Phòng, hiện tại TP có 10 tuyến xe buýt, trong đó có 7 tuyến xe buýt được trợ giá, 3 tuyến còn lại thực hiện theo mô hình xã hội hóa.
Theo đó, thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng như trạm chờ trên tuyến, các doanh doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt được hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng trong vòng 5 năm. Chính sách trợ giá được quy định cụ thể trong Nghị quyết HĐND TP. Việc trợ giá phụ thuộc vào từng xe và cự ly di chuyển của xe.
Theo đại diện Sở GTVT Hải Phòng, Hải Phòng vẫn đang kêu gọi đầu tư các tuyến trên địa bàn. Doanh nghiệp quan tâm có thể tự chọn tuyến để khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận