Quản lý

Nghìn tỷ vốn bảo trì đường thủy chi tiêu thế nào?

20/08/2019, 07:08

Nguồn lực mới nghìn tỷ cho bảo trì đường thủy giúp nâng cấp, đổi mới kết cấu hạ tầng và phương thức quản lý bảo trì.

img
Trạm đo mực nước tự động của ngành Đường thủy trên sông Lô

2019 là năm thứ hai nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/năm, cao nhất từ trước đến nay.

Đầu tư phao, đèn tín hiệu gắn định vị vệ tinh

Vẫn chưa tiêu hết vốn nghìn tỷ
Tìm hiểu của PV, năm 2018 Cục ĐTNĐ Việt Nam không giải ngân được hết 1.000 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy. Năm 2019 tiếp tục được cấp 1.000 tỷ đồng và đến nay ước tính còn khoảng 60 tỷ đồng chưa có kế hoạch sử dụng được phê duyệt.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, nguồn vốn tăng thêm giúp ngành ĐTNĐ cải thiện đáng kể chất lượng hạ tầng, công tác bảo trì đường thủy. Tuy nhiên, do xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chưa sát; thủ tục lập, phê duyệt, xét duyệt các dự án đầu tư, bảo trì kéo dài; chưa có quy định cụ thể cho chi tiêu cho các hạng mục ứng dụng công nghệ nên thường mất nhiều thời gian, phức tạp (ví dụ đầu tư máy chủ, thuê đường truyền, thí điểm thiết bị mới, phao nhựa)... khiến việc chi tiêu, giải ngân chưa đạt kế hoạch.
Hiện, Cục này đang khẩn trương hoàn thành đề xuất dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 102/2016 của Bộ Tài chính (về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp đường thủy...) để thuận lợi hơn cho việc sử dụng kinh phí bảo trì đường thủy. T.Duy

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cho biết, vừa thu hồi nguyên vẹn được một phao gắn đèn tín hiệu dẫn luồng chạy tàu trên tuyến đường thủy quốc gia Vạn Tâm - Bắc Luân (Quảng Ninh) bị bão số 2 đánh đứt xích, trôi dạt hơn 20 ngày sang tận vùng biển Trung Quốc.

Quả phao này có giá trị khoảng hơn 300 triệu đồng, được làm bằng loại nhựa đặc biệt để chịu được va đập mạnh và chống nước mặn ăn mòn, cũng như không phải sơn sửa để duy trì màu sắc như loại phao sắt truyền thống, đèn tín hiệu (dẫn luồng ban đêm) gắn trên phao sử dụng năng lượng mặt trời, gắn định vị vệ tinh.

“Trước đây nếu mất rất khó tìm lại được. Nay do được đầu tư, đèn trên phao gắn định vị vệ tinh, quản lý qua internet nên sau khi rời khỏi vị trí và di chuyển đến đâu đều được phần mềm quản lý phao, báo hiệu đường thủy tự động ghi nhận nên dễ dàng tìm lại”, ông Hải Anh nói và cho biết, đây là lần đầu tìm được phao dẫn luồng đường thủy bị trôi dạt sang nước ngoài.

Tương tự, đại diện đơn vị quản lý bảo trì đường thủy khu vực Nam Định, Nghệ An cũng cho biết, trong năm 2019, gần chục trường hợp phao dẫn luồng bị trôi từ sông ra biển đều được tìm thấy.

Ở khu vực phía Nam, năm 2018-2019 một số đơn vị bảo trì đường thủy còn “tóm” được cả thủ phạm lấy trộm phao, đèn tín hiệu. Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy số 13 (An Giang) cho biết, nhờ đèn tín hiệu thế hệ mới mà tháng 5/2019 đơn vị và lực lượng chức năng bắt được sà lan neo đậu ở TP HCM sử dụng một đèn tín hiệu bị mất trộm ở Vĩnh Long. Trước đây, khi chưa có loại đèn lắp định vị vệ tinh, cũng xảy ra các trường hợp tàu vận tải, người nuôi cá bè trộm đèn tín hiệu đường thủy để gắn trên tàu, nhà bè nhưng việc phát hiện, thu hồi rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đèn tín hiệu, phao báo hiệu thế hệ mới được đầu tư từ nguồn vốn tăng thêm cho công tác quản lý, bảo trì đường thủy giai đoạn 2016-2020. Đến nay, trên hệ thống khoảng 7.000km đường thủy quốc gia đã có khoảng 6.000 đèn tín hiệu được lắp thiết bị tự động giám sát tình trạng hoạt động của đèn và khoảng 2.000 đèn được lắp kết hợp thiết bị giám sát đèn và định vị vệ tinh GPS, hơn 100 phao nhựa tiêu chuẩn quốc tế.

“Đèn tín hiệu thế hệ mới được quản lý tự động giúp quản lý hiệu quả hơn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy, duy trì ổn định hệ thống đèn tín hiệu dẫn luồng chạy tàu ban đêm để phục vụ vận tải. Việc này còn tạo sự giám sát trực tuyến giữa đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì phao tiêu, báo hiệu luồng đường thủy”, ông Loan nói.

Chuẩn hóa luồng tuyến

img
Nguồn vốn tăng thêm giúp ngành đường thủy hiện đại hóa hệ thống phao, đèn tín hiệu dẫn luồng phục vụ chạy tàu ban đêm

Theo Quyết định 47/2015 của Thủ tướng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy giai đoạn 2016-2020, từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia được tăng lên 1,3 lần so với năm trước. Từ chỗ chỉ có 500 tỷ đồng, đến năm 2018-2019, lần đầu tiên nguồn vốn trên đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/năm và tạo nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đường thủy.

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước đây do thiếu kinh phí nên khoảng 40% phao, báo hiệu đường thủy quốc gia cũ, chất lượng kém nhưng thay thế không đáng bao nhiêu, cũng như phải bố trí số lượng phao, báo hiệu thấp hơn định mức tiêu chuẩn trên một số luồng tuyến. Vì vậy, sau khi được bổ sung vốn, ngành đường thủy đã cơ bản thay thế các phao, báo hiệu cũ; nạo vét các vị trí cạn và bố trí đảm bảo hệ thống phao tiêu, báo hiệu đường thủy đảm bảo tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, đảm bảo phục vụ chạy tàu 24/24h trên hầu hết các tuyến đường thủy quốc gia. Nguồn vốn bổ sung cũng giúp ngành đường thủy có điều kiện tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống luồng đường thủy quốc gia để phục vụ công tác lập bình đồ và quy hoạch đầu tư, quản lý và phát triển vận tải.

Trong ưu tiên đầu tư công nghệ, cũng phải kể đến việc đầu tư thiết bị đo mực nước tự động, hàng chục trạm thu phát sóng AIS trên bờ, camera giám sát đường thủy tại các khu vực điều tiết giao thông thủy, vị trí chống tàu thuyền va trôi mùa bão lũ. Ông Nguyễn Văn Loan cho biết, đến nay trên đường thủy quốc gia có 82/115 trạm đo mực nước tự động, thay thế cho phương thức thủ công “ghi sổ, cuối tháng ra thông báo luồng”.

“Công nghệ đo mực nước tự động có chức năng tự ghi nhận, thông báo trực tuyến trên trang điện tử theo thời gian thực giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải biết trước được tình hình luồng để chủ động phương án điều động tàu qua các khu vực phức tạp như cầu, có mực nước biến đổi lớn. Chi phí vận hành các trạm đo mực nước tự động chỉ bằng khoảng 1/10 so với phương thức thủ công”, ông Loan nói, đồng thời cho biết, đang nghiên cứu phát triển trạm đo mực nước tự động thêm tính năng dự báo mực nước, đo lưu tốc dòng chảy, mức độ bồi lắng... để phục vụ tốt hơn tàu thuyền vận tải trên tuyến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.