Các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là tiêu thụ nông sản cho cả nước. Tuy nhiên, lượng xe hiện lên tới hàng nghìn xe mỗi ngày, trong khi năng lực thông quan hạn chế do chỉ còn 5/12 cửa khẩu hoạt động.
Báo Giao thông trao đổi với ông Dương Xuân Huyên (ảnh nhỏ), Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn về giải pháp của địa phương, cũng như việc kiểm soát dịch bệnh đối với hàng nghìn lái xe đường dài trên địa bàn.
Ông Dương Xuân Huyên
Quản lý chặt lái xe đường dài
Mỗi ngày có hàng nghìn lái xe đường dài chở hàng hóa từ khắp nơi trong cả nước tới Lạng Sơn, việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm được tỉnh tính toán ra sao?
Từ ngày 15/7 đến nay, Lạng Sơn đang xuất hiện đợt dịch thứ 3 khi có lái xe đường dài quê Bình Định phát hiện dương tính với Covid-19 tại cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai. Sau khi truy vết trở lại, đến nay các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận hơn 10 ca nhiễm liên quan.
Hiện, Lạng Sơn đang tích cực truy vết, khống chế, phòng chống. Vấn đề đặt ra là quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe đường dài, hàng ngày vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh miền Nam đến Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các lái xe đường dài đang hiện hữu, vấn đề quản lý đội ngũ này, bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát tại các cửa khẩu đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tại Lạng Sơn.
Việc kiểm soát phương tiện ra/vào Lạng Sơn đang được triển khai cụ thể thế nào, thưa ông?
Hiện nay, trung bình mỗi ngày đều có khoảng 1.200 xe xuất khẩu qua các cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Trong đó, đa phần lượng xe đều vận chuyển nông sản từ các tỉnh phía Nam.
Hiện, tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện phân công các lực lượng kiểm soát tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành để kiểm soát y tế đối với các lái xe, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Cùng với việc chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống dịch cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh từng cấp độ để đưa ra các giải pháp, biện pháp phù hợp, tỉnh cũng duy trì hiệu quả 5 chốt dã chiến trực kiểm soát, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ người ra vào cửa khẩu 24/24h.
Đối với đội ngũ lái xe đường dài, việc bố trí ăn nghỉ được tỉnh thực hiện ra sao? Theo ông, cần kiểm soát thế nào để họ không tự ý ra ngoài, tiếp xúc với người dân?
Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng hàng ngày thực hiện khử trùng bến bãi, nhà làm việc và toàn bộ khu vực cửa khẩu.
Xây dựng khu cách ly lái xe và chủ hàng của Việt Nam và nhân viên bốc xếp, giao nhận hàng hoá tại cửa khẩu.
Tăng cường hoạt động của đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa qua biên giới với trên 500 lái xe được quản lý, sinh hoạt tập trung trong khu vực cửa khẩu, thường xuyên được lấy mẫu xét nghiệm PCR với tần suất 3 ngày/lần.
Đặc biệt, để quản lý tốt lực lượng lái xe đường dài, tỉnh đã giao các huyện Cao Lộc, Văn Lãng chủ trì cùng các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tại các cửa khẩu bố trí nơi ăn ở, quản lý tập trung đội ngũ lái xe đường dài ngay tại các cửa khẩu.
Hiện nay, mỗi ngày tại Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có khoảng 1.600 lái xe có nhu cầu nghỉ lại.
Tỉnh đã chỉ đạo huyện Văn Lãng trưng dụng Trung tâm Thương mại Sài Gòn - Tân Thanh để làm chỗ ăn nghỉ tập trung cho lái xe.
Cùng đó, Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên cũng thành lập khu ăn nghỉ tập trung cho tất cả các lái xe đường dài đang chờ xuất, nhập khẩu hàng hóa tại bến xe hàng hóa Bảo Nguyên.
Tỉnh cũng chỉ đạo Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương xây dựng chỗ ăn, nghỉ cho lái xe đường dài chờ xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Hữu Nghị.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu 100% lái xe đường dài trước khi vào Lạng Sơn phải được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19.
Đồng thời, cam kết chấp hành việc quản lý, điều hành của cơ quan chức năng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lái xe tự ý ra các khu dân cư nghỉ ngơi, ăn uống làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nhiều lái xe cho rằng họ bị quản lý quá chặt, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt... Chúng tôi mong các lái xe đường dài và doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa chia sẻ, đồng lòng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý đưa ra.
Tất cả cũng chỉ để bảo đảm tuyệt đối an toàn các cửa khẩu, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Xây dựng “cửa khẩu số”
Khu ăn ở tập trung của lái xe đường dài của Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên tại Cửa khẩu Tân Thanh
Gần 2 năm qua, Lạng Sơn chỉ có 5/12 cửa khẩu duy trì hoạt động thông quan hàng hóa. Hiện, các tỉnh phía Nam đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch nông sản, nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng đột biến, tỉnh có giải pháp gì để bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ùn ứ, ách tắc?
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo BQL khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cùng các lực lượng biên phòng, hải quan đàm phán với các lực lượng chức năng nước bạn, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu.
Cơ quan chức năng, nhất là lực lượng biên phòng 2 nước vẫn duy trì hội đàm tại cột mốc số 0 để giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu.
Trước mắt, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức san tải, phân luồng, xếp nốt các xe chờ xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, để bảo đảm năng lực thông quan ổn định, lâu dài, hạn chế thấp nhất việc can thiệp của con người, minh bạch hóa, phòng chống tiêu cực trong thông quan hàng hóa, tỉnh đã giao Sở TT&TT triển khai xây dựng cửa khẩu số.
Hiện, các phần mềm điện tử liên quan đến cửa khẩu số đã được triển khai thử nghiệm, dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm nay, nếu thành công sẽ hứa hẹn nhân rộng ra cả nước.
Cửa khẩu số sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa giải quyết dứt điểm tình trạng xếp nốt xe nhiều ngày tại các cửa khẩu.
Các hoạt động thông quan được thực hiện trên không gian mạng, người dân không còn phải đến tận nơi thực hiện các thủ tục hải quan, biên phòng.
Theo ông, việc tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, lao động và lực lượng chuyên trách ở các cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng thế nào?
Tuy là địa phương có nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhưng đến nay, Lạng Sơn mới được phân bổ hơn 96 nghìn liều vaccine phòng Covid-19, chưa đáp ứng được nhu cầu.
UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Trung ương quan tâm phân bổ thêm vaccine để tiêm đủ 2 mũi phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho đội ngũ lái xe chuyên trách, người lao động và lực lượng tuyến đầu tại các cửa khẩu.
Hơn nữa, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm ưu tiên tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 cho các chủ hàng, đội ngũ lái, phụ xe xuất khẩu hàng hóa.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo không để chuỗi vận chuyển, cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gãy.
Cảm ơn ông!
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn được duy trì. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đạt khoảng 600 triệu USD, một số mặt hàng chủ lực như: Thanh long 220.000 tấn, dưa hấu 150.000 tấn, xoài 350.000 tấn, mít 290.000 tấn, chuối 30.000 tấn, vải quả tươi 50.000 tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận