Thế giới giao thông

Ngờ vực kéo lùi khởi công đường sắt 5,2 tỷ USD Thái Lan-Trung Quốc

29/11/2017, 08:45

Dự án xây dựng đường sắt cao tốc đầy tham vọng nối Trung Quốc-Thái Lan, một phần nằm trong chiến lược...

32

Giai đoạn đầu của dự án đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc 5,2 tỉ USD liên tục bị hoãn

Trì trệ, chậm trễ

Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan dài 1.260km, trị giá 5,2 tỉ USD được kỳ vọng khởi công từ cuối năm nay nhưng liên tiếp bị trì hoãn vì vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường, ông Liang Xiaoguang, một quan chức của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thái Lan cho biết.

Công tác xây dựng có thể bắt đầu từ tháng 11 này nhưng tiến trình bị trì hoãn vì phải chờ Chính phủ Thái Lan thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Nguyên nhân phần lớn là do Thái Lan đẩy chậm quá trình. Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được thông qua, họ sẽ không có lý do gì để trì hoãn”, ông Liang nói.

Giai đoạn đầu tiên của dự án là hoàn thành đoạn đường sắt dài 250km từ Thủ đô Bangkok tới tỉnh Nakhon Ratchasima ở phía Đông Bắc đã bị chậm lại suốt nhiều tháng trước đó liên quan đến thỏa thuận chi phí và lao động. Theo cam kết giữa hai bên, Thái Lan sẽ làm chủ dự án và chịu trách nhiệm tài chính trong khi Trung Quốc sẽ thiết kế và cung cấp kỹ thuật viên, hệ thống đường ray, thiết bị. Dù vậy, theo ông Liang Xiaoguang, các bên đã bắt đầu bàn về giai đoạn hai để mở rộng đường sắt ra Nong Khai trên biên giới của Thái Lan và Lào. Để kết nối với khu vực phía Nam Trung Quốc, hệ thống đường sắt này sẽ được xây dựng theo phương án chia nhỏ thành 4 giai đoạn.

Dự án hạ tầng khổng lồ này nằm trong sáng kiến đầy tham vọng mang tên “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất và hứa hẹn sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” cho phát triển và đầu tư tài chính toàn cầu, trong đó Bắc Kinh sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Ông Lim Tai Wei đến từ Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, dự án đường sắt này cùng với các tuyến đường khác dự kiến được thực hiện tại Malaysia và Lào sẽ tạo thành xương sống cho hệ thống vận tải và giao thông Trung Quốc trong Cộng đồng Kinh tế châu Á. “Đây là những dự án tương lai, đặc biệt là Đông Nam Á”, ông cho biết.

Thiếu minh bạch về giá trị kinh tế

Tuy nhiên, với rất nhiều nhà phê bình, họ cho rằng, dự án đường sắt này là “con tàu không đi đến đâu” vì khởi đầu chậm chạp và nhiều vấn đề như chi phí cao, thiếu minh bạch. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha buộc phải sử dụng Điều 44 trong Hiến pháp Thái Lan để có quyền ra các quyết định hành chính mà không bị hạn chế về pháp lý nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện dự án này.

Ông Sasiwan Chingchit đến từ Quỹ châu Á cho biết, mối lo ngại lớn nhất của dư luận trong dự án này chính là sự minh bạch về giá trị kinh tế. “Dư luận Thái Lan không nhìn nhận dự án này với con mắt tích cực. Nếu tuyến đường sắt Thái Lan - Trung Quốc hoàn thành một cách phù hợp, hệ thống này sẽ tăng cường quan hệ hai nước trên nhiều mặt... nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc dự án được hoàn thành như thế nào, trong bao lâu và có mất mát gì về môi trường hay không. Nếu ngay từ giai đoạn đầu tiên, hai Chính phủ có thể thỏa thuận về các vấn đề minh bạch, tôi nghĩ người dân sẽ cảm thấy tích cực hơn trong các giai đoạn tiếp theo”, ông Chingchit nói.

Theo Phó giáo sư về Khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok), Thitinan Pongsudhirak, dự án này còn bị trì trệ vì quan liêu và “nghi ngờ, sự thiếu tin tưởng ở phía Thái Lan về lợi ích và không hiệu quả về chi phí thỏa thuận”. Ông cho rằng, thay vì mang lại lợi ích kinh tế, dự án này lại mang tính biểu tượng cho sự tiến triển trong quan hệ Thái - Trung. “Nếu dự án không hoàn thành, nó phản ánh mối quan hệ song phương không êm thấm giữa hai nước”, ông Pongsudhirak cho biết.

Ngoài vấn đề chi phí, những nỗi lo về chuyển giao công nghệ giữa hai bên cũng đòi hỏi Thái Lan - Trung Quốc phải bàn luận thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.