Hiện trường bé trai 6 tuổi bị nhân viên bảo vệ tổ dân phố sát hại |
Ẩn họa bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng
Mới đây, thông tin bé trai 6 tuổi (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) bị sát hại dã man bởi bảo vệ tổ dân phố khiến dư luận bức xúc. Đáng nói, theo thông tin từ Công an quận Tân Phú, nhân viên bảo vệ này có tiền sử bị tâm thần phân liệt nhiều năm qua. Dù vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra, song nhiều nhân chứng tại hiện trường hoang mang đặt câu hỏi: Tại sao một người tâm thần lại được chọn làm bảo vệ tổ dân phố? Tại sao ngày thường anh ta không có biểu hiện tâm thần?
Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH đặt mục tiêu tới năm 2020, 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. |
Còn nhớ hồi tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An bắt khẩn cấp đối tượng Trương Văn Hiếu (34 tuổi) để điều tra về hành vi giết chết cha đẻ của mình. Dư luận cũng hẳn chưa quên bệnh nhân tâm thần Đỗ Văn Việt (quận Hà Đông, Hà Nội) từng đoạt ba mạng người sau mỗi lần “ra trại”. Cụ thể, năm 1998 Việt bị xử phạt 5 năm tù về tội giết người. Ra tù, trở về sau khi được điều trị tâm thần, năm 2005 bị cáo lại có hành vi giết bố đẻ, song bị đình chỉ điều tra do mắc bệnh nặng. Năm 2013, ngay khi còn đang điều trị tại Khu điều dưỡng tâm thần Thụy An, Ba Vì, Việt lại vung dao sát hại một nữ cán bộ điều dưỡng. Lần này, Việt bị tuyên án 6 năm tù trong nỗi lo sợ của người thân. “Tôi chỉ lo sau này nếu nó được về nhà… không biết sẽ còn gây nên nỗi đau nào khác cho gia đình mình hay không”, anh trai Việt than thở…
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH, các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy... Tuy nhiên, nói về công tác chữa trị và quản lý người tâm thần, vị Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội dẫn ra số liệu: “Tổng số ca được chăm sóc và phục hồi chức năng tại các trung tâm trên cả nước là 13.000 ca, số người tâm thần nặng được các trung tâm thực hiện quản lý tại cộng đồng là 60.000 ca, đạt 30% số người tâm thần nặng”.
Thiếu phương pháp chăm sóc, phục hồi cho bệnh nhân tâm thần
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội thừa nhận: Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn, gặp nhiều trở ngại nhất. “Đối với TP Hà Nội, hiện nay có khoảng gần 8.000 người đang mắc các thể bệnh tâm thần, nhưng công tác xã hội hướng đến đối tượng này chưa thực sự được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả”, ông Thịnh nói.
Cụ thể, Hà Nội hiện có 3 trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho gần 900 người tâm thần phân liệt, cùng với khoảng 200 người đang được chăm sóc dịch vụ tại các cơ sở tư nhân, như vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu thực tế trên địa bàn thành phố. Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân tại các cơ sở đa phần thiên về thực hiện các chế độ hỗ trợ của Nhà nước để duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa có các phương pháp trợ giúp hiệu quả, phù hợp với thực tế để phục hồi chức năng cho bệnh nhân”, ông Thịnh cho biết.
Thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt; 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hồi, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đối với người tâm thần hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
“Một số địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn; đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng; thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu; cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng... Ngoài ra, nhiều cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Đó là chưa kể chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức công tác xã hội, người lao động làm việc tại trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần chưa được quy định...”, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận