Dư luận vừa qua đặc biệt quan tâm tới việc Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Với đề án này, UBND TP Hà Nội cho hay, ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 10040 đồng ý cho UBND thành phố lập đề án. Ngày 20/5/2019, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 2116 về việc chấp thuận chủ trương xây dựng đề án. Hiện Sở Tài chính đang thẩm định.
Nhiều người đặt câu hỏi, ngoài thu phí ô tô, Hà Nội có tiếp tục nghiên cứu cấm xe máy vào nội đô?
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mới đây, trong báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, Sở GTVT Hà Nội cũng trình UBND TP chấp thuận nhiều đề án giao thông khác có tác động tới người dân.
Trong đó, Sở GTVT được giao lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Với đề án này, UBND TP Hà Nội nhận định, đây là nhiệm vụ cần thiết, nhưng là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân. Do đó, Sở GTVT và cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đã đề xuất báo cáo UBND TP Hà Nội giai đoạn 2019-2020.
Cùng đó, Sở GTVT cũng được giao lập đề án quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Với nhiệm vụ này, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 5316 năm 2018 về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán, hiện Sở GTVT đang tổ chức thực hiện, dự kiến hoàn thành vào Quý III/2019.
Ngoài các đề án trên, Hà Nội cũng đang thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ khác liên quan đến giao thông như: nghiên cứu bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân; Hoàn thành việc rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận